Đầu tư công và đầu tư tư nhân 9 tháng đầu năm tăng chậm
Sáng ngày 9/10, tại chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, điển hình như việc tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện.
Ước tính 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước đạt 1,337 triệu tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng gần một nửa mức tăng trưởng của giai đoạn 2015 – 2019; vốn khu vực Nhà nước 664.700 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15,1% của cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán giải ngân vốn kế hoạch năm tính đến ngày 31/8 là 274.501 tỷ đồng, đạt 37,01% kế hoạch và đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 về tỉ lệ (đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng giao) cũng như thấp hơn khoảng 25.000 tỷ đồng về số giải ngân tuyệt đối.
Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 13/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn 31/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm dưới mức trung bình chung của cả nước.
Đối với vấn đề này, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về thương mại quốc tế, mặc dù 9 tháng đầu năm ghi nhận xuất siêu hàng hóa 20,79 tỷ USD nhưng tình trạng nhập siêu dịch vụ vẫn chưa được cải thiện, cho thấy lợi thế về dịch vụ vận tải biển chưa được tận dụng hiệu quả.
Báo cáo cũng nêu rõ, có ý kiến cho rằng hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng tại cảng và xuất hàng cũng tại cảng biển Việt Nam, nghĩa là hầu như toàn bộ khâu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics, bảo hiểm vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu đều do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận.
Theo báo cáo, tính chung 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4,7 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa dù chiếm tới 77,2% tổng doanh thu nhưng chỉ tăng 7,9% so với cùng kỳ, trong khi giai đoạn 2015 - 2019, chỉ số này tăng bình quân khoảng 11,4%/năm. Điều này đã cho thấy sức cầu tiêu dùng trong nước còn yếu.
Theo nhận định của Uỷ ban Kinh tế, hoạt động tiêu dùng hàng hóa yếu còn do thu nhập tăng chậm trong khi áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng, tình trạng giá vé máy bay tăng cao, nhất là dịp lễ tết cũng tác động tiêu cực đối với tăng trưởng du lịch nội địa.
Đồng thời, Uỷ ban Kinh tế cũng dự báo áp lực lạm phát những tháng cuối năm sẽ tăng cao do tác động của yếu tố mùa vụ cũng như ảnh hưởng của cơn bão Yagi đối với cung ứng một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nông sản.
Bên cạnh đó, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế cũng chỉ ra rằng tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong 9 tháng qua còn nhiều khó khăn. Cụ thể, bình quân một tháng có hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, bình quân số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng là 18.200 doanh nghiệp.
Như vậy,tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp tham gia thị trường trong 9 tháng đầu năm nay là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023.