|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đâu là yếu tố đẩy giá cà phê liên tục phá đỉnh?

07:34 | 24/03/2024
Chia sẻ
Giới chuyên gia cho rằng ở châu Á, cà phê phần lớn là một sản phẩm xa xỉ dành cho những người giàu có. Nhưng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu đã mở rộng và số người thưởng thức cà phê hàng ngày cũng tăng lên. Điều này giúp thúc đẩy giá cà phê.

 

Theo Nikkei Asia, giá cà phê giao sau trên toàn cầu đang ở gần mức kỷ lục do được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày từ tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ngày càng tăng cao. Trong khi đó, một số nhà sản xuất lớn dường như đang phải đối mặt với sản lượng giảm do vụ mùa kém hiệu quả.

Giá cà phê robusta kỳ hạn ở London, đạt mức 3.497 USD/tấn vào ngày 7/3, mức cao nhất mọi thời đại. Giá cà phê sau đó đã điều chỉnh, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao là 3.421 USD, tính đến ngày 19/3.

 Giá cà phê robusta giao sau đạt ngưỡng kỷ lục (Đơn vị: USD/tấn, nguồn: Investing)

Giá cà phê arabica tương lai ở New York, tiêu chuẩn cho loại cà phê chất lượng cao hơn được sử dụng tại các quán cà phê, cũng đạt mức giá cao nhất trong 14 tháng trong tháng 12/2023. Giao dịch hôm 18/3 đóng cửa ở mức 181,85 cent mỗi pound, tăng 24% so với cuối tháng 9/2023.

Trong một báo cáo tháng 12/2023, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ cung cấp 26,6 triệu bao cà phê loại 60 kg trong niên vụ 2023-2024 (giai đoạn tháng 10/2023 - 9/2024). Con số đó giảm 12% so với dự báo của USDA vào tháng 6.

Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh sản lượng của niên vụ 2022 - 2023 thấp kỷ lục, ở mức 26,3 triệu bao.

Sản lượng ở Indonesia, nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, được dự đoán sẽ giảm 20%.

Ngoài thời tiết bất lợi như nhiệt độ cao, hạn hán ở Đông Nam Á do hiện tượng El Nino gây ra, một số nông dân đang chuyển sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, cao su,… cũng là nguyên nhân khiến sản lượng cà phê bị thu hẹp. 

Trợ lý giám đốc mảng cà phê và đồ uống tại nhà nhập khẩu Nhật Bản S. Ishimitsu cho biết: “Có những trường hợp nông dân không thể thực hiện hợp đồng với các công ty xuất khẩu do thiếu nguồn cung”.

Hạt robusta có giá rẻ hơn so với arabica. Taisuke Horie, giám đốc bộ phận đồ uống tại công ty giao dịch Marubeni, cho biết: “Một số nhà bán lẻ đang thay thế arabica bằng robusta trong nỗ lực tránh giá bán lẻ tăng vọt”. “Nhu cầu ngày càng tăng đang siết chặt nguồn cung robusta, dẫn đến giá cao hơn”.

Tiêu thụ hạt cà phê toàn cầu trong giai đoạn 2023-2024 sẽ tăng 20% so với năm 2013-2014, với mức tăng trưởng đáng chú ý ở châu Á. USDA báo cáo rằng mức tiêu thụ ở các nước sản xuất lớn như Việt Nam và Indonesia lần lượt tăng 60% và 90% trong cùng khoảng thời gian. Trung Quốc, nước tiêu thụ cà phê lớn thứ bảy thế giới, đang chứng kiến mức tăng 130%.

 Một đánh giá chất lượng cà phê (Cupping) tại Hà Nội (Ảnh: H.Mĩ)

Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê từ sang Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 đã tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này vượt qua mức xuất khẩu sang các nước tiêu thụ cà phê lớn hơn như Nhật Bản (tăng 87%) và Mỹ (tăng 37%). Hiện Brazil là nước sản xuất hạt cà phê arabica lớn nhất thế giới.

Horie cho biết: “Ở châu Á, cà phê phần lớn là một sản phẩm xa xỉ dành cho những người giàu có. Nhưng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu đã mở rộng và số người thưởng thức cà phê hàng ngày cũng tăng lên”.

Công ty nghiên cứu World Coffee Portal của Anh cho biết tính đến tháng 12, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, trở thành thị trường có nhiều chuỗi cửa hàng cà phê nhất trên toàn cầu. Các chuỗi có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng đang mở rộng nhanh chóng trên toàn thế giới. Cotti Coffee, được thành lập vào năm 2022, đã có hơn 7.000 cửa hàng trên toàn cầu và mở rộng sang Nhật Bản vào năm 2023.

Giá cà phê giao sau tăng cũng đang tác động đến giá tiêu dùng ở Nhật Bản. Ajinomoto sẽ tăng giá một số sản phẩm cà phê hòa tan từ 20% đến 25% bắt đầu từ ngày 1/4.

H.Mĩ