'Đau đầu' tìm hướng đi bền vững cho trái cây Việt
Măng cụt chính thức xuất sang Trung Quốc qua đường chính ngạch
Theo ghi nhận của Cục Công Thương địa Phương, tại khu vực cửa khẩu Móng Cái, thời gian gần đây, sản phẩm có sức hút mạnh nhất với các đối tác nhập khẩu Trung Quốc là các loại xoài có thương hiệu nổi tiếng như xoài Cát Chu, Hòa Lộc.
Vải sấy, phơi khô được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng, lượng xuất khẩu qua cửa khẩu Móng Cái chỉ bằng khoảng 20% so với cửa khẩu Lạng Sơn, nhưng tiêu thụ rất nhanh và được giá. Lượng quả vải khô xuất khẩu qua cửa khẩu này đạt bình quân 100 tấn/ngày.
Sản phẩm trái cây đang được xuất khẩu nhiều nhất là thanh long và măng cụt. Nhu cầu nhập khẩu quả thanh long đối với khách hàng Trung Quốc là không hạn chế về sản lượng, sản lượng xuất khẩu đạt 2.000 tấn/tuần. Trong khi đó, xuất khẩu quả măng cụt đạt trung bình hàng ngày khoảng 70 tấn.
Một tín hiệu đáng tích đối với mặt hàng măng cụt đó chính là mặt hàng này đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Theo Bộ Công Thương, cuối tháng 4, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong đã kí kết Nghị định thư về mở cửa thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm sữa, măng cụt Việt Nam.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, sẽ tích cực phối hợp với phía Việt Nam tiếp tục triển khai các thủ tục đánh giá rủi ro đối với sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi theo thứ tự ưu tiên và các sản phẩm khác như khoai lang và tổ yến Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Những năm gần đây, các bộ, ngành và địa phương đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm phát triển bền vững diện tích cây ăn quả như rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa tập trung; tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; giải pháp về khoa học và công nghệ...
Ảnh minh họa
Vì vậy, diện tích, chất lượng, sản lượng và giá trị thu nhập từ cây ăn quả cũng tăng lên, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều mặt hàng hoa quả đã xuất khẩu đến những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Cảnh báo viễn cảnh giải cứu trái cây tiếp diễn
Cục Công Thương địa phương cho biết mặc dù diện tích trồng cây ăn quả phát triển nhanh, nhưng để phát triển bền vững vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Việc trồng cây ăn quả, nhất là cây có múi tại nhiều địa phương còn tự phát, người dân sử dụng giống trôi nổi không rõ nguồn gốc đã làm gia tăng dịch bệnh cũng như làm giảm năng suất, chất lượng quả; tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún còn phổ biến.
Hiện công tác quản lý giống cây trồng gặp nhiều khó khăn do kinh doanh giống cây trồng thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong khi đó, chưa có văn bản hướng dẫn về việc cấp phép sản xuất cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất - kinh doanh giống cây trồng, cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm.
Đáng chú ý, tại một số tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Giang..., diện tích trồng cây ăn quả có múi tăng mạnh và một số huyện đã vượt quy hoạch. Việc phá vỡ quy hoạch sản xuất sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường như cung vượt cầu, "được mùa, mất giá", khó kiểm soát dịch bệnh, chất lượng sản phẩm không bảo đảm...
Nhiều cơ quan cảnh báo nếu các địa phương không có giải pháp kịp thời, kiềm chế phát triển "nóng" về diện tích, khả năng trong tương lai sẽ lại có những cuộc "giải cứu" trái cây.
Đầu tư thâm canh, chăm sóc chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật, chất lượng không đồng đều. Khối lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng còn ít, ảnh hưởng đến việc ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ, hợp đồng xuất khẩu.
Bên cạnh việc sản xuất vẫn còn manh mún, chất lượng sản phẩm chưa cao, thì công nghệ chế biến trái cây cũng còn nhiều hạn chế, tỷ trọng chế biến vẫn thấp.
Những năm gần đây, doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đã quan tâm đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Tiêu biểu như Tập đoàn TH, Tập đoàn Nafoods, CTCP xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao (Doveco), CTCP Lavifood… đã đầu tư phát triển mạnh cơ sở vật chất chế biến, bảo quản rau quả.
Chỉ trong hai năm 2017 - 2018, các doanh nghiệp trên đã đầu tư xây dựng mới 6 nhà máy chế biến rau quả hiện đại với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm với tổng số vốn đầu tư 5.300 tỉ đồng. Nhiều công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại được sử dụng như thiết bị đóng gói của Tetra Pak, công nghệ và thiết bị cô đặc có thu hồi hương, công nghệ và thiết bị sấy lạnh, sấy bơm nhiệt...
Tại buổi đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, CTCP Tập đoàn PAN cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực để triển khai nhiều dự án nhằm tăng hiệu quả và mở rộng hạ tầng sản xuất, công nghệ chế biến và phát triển vùng nguyên liệu cho các công ty con.
Song hiện cả nước mới chỉ có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm, thậm chí sản lượng thực tế cũng chỉ đạt trên 0,5 triệu tấn sản phẩm/năm với tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,2%.
Vì vậy, hiện chỉ có chưa tới 10% trái cây của Việt Nam được chế biến, còn lại trên 90% tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ở dạng quả tươi. Các sản phẩm được chế biến hiện chủ yếu gồm đồ hộp (dứa, nước trái cây…), đông lạnh (dứa, sầu riêng…), sấy chiên chân không, sấy dẻo, muối…, trong đó tỷ trọng các sản phẩm đồ hộp chiếm 50%.
Đa số nhà máy chế biến hiện có quy mô vừa và nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu, việc liên kết giữa sản xuất, bảo quản và chế biến còn nhiều hạn chế, không đảm bảo về chất lượng, số lượng vùng nguyên liệu. Ngoài ra, sản phẩm chế biến đơn giản dưới dạng thô, chất lượng thấp, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao.
Khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến của các nhà máy còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ... Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các loại quả tươi cũng là một trong những điểm yếu lớn, gây hạn chế cho việc vận chuyển trái cây đi xa và xuất khẩu.
Cần chú trọng xây dựng thương hiệu
Nhằm tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu như chuối, xoài, dứa, nhãn... phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước để hạn chế nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu.
Các địa phương cũng cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm giảm giá thành, tăng thu nhập. Ðồng thời cũng cần tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP, hữu cơ) và đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch.
Nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng; Tăng cường chế biến sâu các sản phẩm quả, gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu.
"Cần quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản" Cục Công Thương địa phương nhận định.
Phát biểu tại Tại Diễn đàn "Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019", PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển thương hiệu là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Thịnh cho biết hiện nay việc hiểu và cách làm để xúc tiến thương hiệu nông sản Việt Nam cần phải tăng cường hơn nữa.
Theo PGS .TS Nguyễn Quốc Thịnh, hầu hết nông sản trong nước khi xuất khẩu không được mang thương hiệu của đơn vị sản xuất, chế biến, phân phối mà chỉ được gắn mác "Made in Vietnam".
Ông Thịnh phân tích điều này tiềm ẩn rủi ro: "100 doanh nghiệp cùng sản xuất, chỉ cần 1 doanh nghiệp có vấn đề là cả ngành nông nghiệp Việt Nam mang tiếng".
Trong năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu nâng diện tích cây ăn quả các loại trên cả nước lên khoảng một triệu ha, tăng 50 nghìn ha so với năm 2018. Trong đó, sẽ tập trung phát triển một số loại cây ăn quả có lợi thế xuất khẩu theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên như cam, quýt, chuối, xoài, thanh long, nhãn, vải thiều, na.