|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đau đầu tìm chủ đất quanh sân bay Long Thành

08:15 | 28/07/2019
Chia sẻ
Việc giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành (Đồng Nai) đang được cấp tập tiến hành, nhưng cơ quan chức năng “rối bời” vì cả ngàn chủ đất 'biệt tăm'.
avatar_1564275806731

Công nhân đang thanh lý cây cao su, bàn giao đất cho chính quyền xây dựng khu tái định cư. Ảnh: Lê Lâm

Quá trình giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 (khu vực ưu tiên) đang thực hiện giải phóng 1.165 ha, gồm 1.000 ha đất trồng cao su của Tổng công ty cao su Đồng Nai, số còn lại là đất các hộ gia đình, cá nhân với 455 hộ.

“Vướng” hàng trăm hộ

Đối với đất trồng cao su, tuy diện tích lớn nhưng công việc tiến hành khá suôn sẻ. Những ngày qua, Tổng công ty cao su Đồng Nai đã cho tiến hành cưa, thanh lý cây cao su ở khu vực sát đường ĐT769 (nơi dự kiến xây dựng 2 khu tái định cư cho người dân bị giải tỏa). 

"Riêng phần đất thuộc người dân quản lý, tuy diện tích ít hơn (165 ha) nhưng lại vô cùng rắc rối. Bởi nhiều hộ dân do chịu quy hoạch quá lâu, không chờ đợi được hoặc vì lý do cá nhân, đã sang nhượng đất cho người khác, tìm nơi ở mới", ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND H.Long Thành cho hay.

Theo thống kê của UBND H.Long Thành, trong số 455 hộ dân nằm trong diện giải tỏa (giai đoạn 1), có đến 179 hộ chưa kiểm đếm được. 

Nguyên nhân do chủ hộ không đến, đi vắng; không tìm được chủ đất; sai thông báo thu hồi đất, do thông tin Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai - chi nhánh Long Thành cung cấp phục vụ ban hành thông báo không đúng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, CMND, hộ khẩu do hộ dân cung cấp; chủ sử dụng không xác minh được ranh giới thửa đất...

Sẽ kiểm kê theo hình thức vắng chủ

Ông Hoàng Hữu Minh, Phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn (H.Long Thành), cho biết: "Đau đầu nhất là các trường hợp không tìm được chủ sở hữu. Vì trước đó chủ đất đã chuyển nhượng, mua bán cho người khác, nhưng do đất nằm trong quy hoạch nên không sang tên được mà chỉ mua bán bằng giấy tay. Giờ chúng tôi theo giấy tờ xuống kiểm kê, thì không gặp chủ đất đứng tên sở hữu”. 

“Ngoài ra, việc xác định mức hỗ trợ như thế nào đối với các trường hợp này cũng là cả vấn đề, dễ gây khiếu kiện. Đó là chưa kể người sang nhượng bằng giấy tay và đang trực tiếp sản xuất trên mảnh đất đó, thì có được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước không? Cái này chúng tôi đang chờ hướng dẫn từ UBND tỉnh Đồng Nai”, ông Minh nói thêm.

Trong khi đó, theo Trung tâm phát triển quỹ đất H.Long Thành, trong tổng số gần 5.300 trường hợp mà đơn vị này gửi thông báo thu hồi đất cho toàn bộ dự án sân bay Long Thành, số có địa chỉ khoảng 2.800 trường hợp, số không có địa chỉ chiếm trên 1.000 trường hợp, đặc biệt số vắng chủ lên đến trên 1.500 trường hợp. 

Về vấn đề này, ông Võ Tấn Đức cho biết: "Đầu tháng 8 này các tổ công tác của huyện tiếp tục xuống xác minh, kiểm kê một lần nữa đối với các hộ dân giải tỏa thuộc giai đoạn 1, nếu chưa gặp được chủ đất thì đăng thông báo. Sau khi đăng thông báo vẫn không tìm ra chủ đất thì tiến hành kiểm kê theo hình thức vắng chủ". 

Ông Đức khẳng định: “Chúng tôi đang tăng tốc giải phóng mặt bằng, để cuối tháng 8 có mặt bằng khu vực ưu tiên giai đoạn 1, bàn giao cho tỉnh hoàn tất các thủ tục, xây dựng 2 khu tái định cư và hạ tầng”.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tỉnh Đồng Nai về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành diễn ra ngày 22.7, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh khẩn trương hoàn tất hồ sơ để khởi công xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. 

Riêng các hộ dân không liên lạc được, thì thực hiện kiểm kê theo diện vắng chủ nhằm đảm bảo tiến độ dự án. Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái lưu ý rằng đây là công trình trọng điểm quốc gia, so với kế hoạch ban đầu thì đến nay đã bị chậm tiến độ. 

Vì vậy, ông Thái đề nghị các phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực liên quan phải thường xuyên rà soát công việc để xử lý ngay những vướng mắc.

Người dân lo lắng về suất tái định cư

photo-1

Ông Võ Minh Tâm

Do nằm trong vùng quy hoạch trong suốt thời gian dài, nhiều hộ dân thuộc dự án sân bay Long Thành không tách thửa được cho con cái khi lập gia đình và ra ở riêng.

Ông Võ Minh Tâm (65 tuổi, ngụ ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn, H.Long Thành) có hơn 3 ha đất và 3 người con trai đều đã lập gia đình, xây nhà trên mảnh đất của ông. Khi các con ra ở riêng, ông Tâm muốn tách thửa, sang tên cho từng người nhưng không được.

"Qua tìm hiểu, tôi rất lo lắng khi biết được mỗi hộ chỉ được cấp 1 suất tái định cư. Tôi đề nghị nhà nước xem xét, cho mỗi đứa một suất tái định cư. Còn nếu nhà nước bán thì với giá vừa phải, chứ bán giá thị trường thì các con tôi không mua nổi", ông Tâm bày tỏ.

Ông Nguyễn Trần Thành, Trưởng ấp Suối Trầu 1, nói: "Trên địa bàn ấp có rất nhiều tình trạng tương tự như ông Tâm, nếu không xét cho những trường hợp này suất tái định cư thì rất thiệt thòi, dân sẽ bức xúc".

Trả lời Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn Hoàng Hữu Minh cho hay các hộ dân đó vẫn được suất tái định cư, nhưng phải đóng tiền, nhưng cụ thể là bao nhiêu thì chưa rõ.

Gần 23.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng

Để xây dựng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi 5.000 ha đất, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 4.900 hộ dân với gần 16.000 nhân khẩu.

Chính phủ đã đồng ý giao tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư "Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành", thuộc dự án quan trọng quốc gia, với tổng mức đầu tư 22.856 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 17.855 tỉ đồng, xây dựng 2 khu tái định cư là 4.189 tỉ đồng, 479 tỉ đồng cho việc tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không, 306 tỉ đồng cho công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm...

Theo kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 sẽ hoàn tất trong năm 2019, bàn giao cho chủ đầu tư là Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV), và dự kiến ACV sẽ khởi công xây dựng sân bay Long Thành vào cuối năm 2020.


Lê Lâm