Đất đai manh mún - Lực cản đầu tư dài hạn vào nông nghiệp
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ vào khoảng 0,46 ha và trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Quy mô diện tích đất của hộ nông dân Việt Nam thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Á.
Ruộng đồng manh mún cản trở đầu tư vào nông nghiệp (Ảnh minh họa: Báo Giao thông)
Đất đai nhỏ lẻ khó phát triển nông nghiệp quy mô lớn
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị “Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp” ngày 14/4 tại Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế nông nghiệp luôn là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, lấy kinh tế hộ gia đình làm động lực phát triển, có ý nghĩa to lớn trong thời kỳ đổi mới, đưa nước ta từ nước đói nghèo trở thành nước đủ lương thực, thừa lương thực và xuất khẩu lương thực lớn của thế giới".
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, mô hình kinh tế hộ gia đình với việc quản lý sử dụng đất manh mún, nhỏ lẻ khó phù hợp với điều kiện phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng hàng hóa, có năng suất, hiệu quả, bảo đảm đủ sức cạnh tranh nội địa và thế giới. Do đó, việc tích tụ ruộng đất thuận lợi cho đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu hết sức quan trọng.
Thực tế cho thấy, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn khó khăn do công tác công bố, công khai quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được các địa phương chú trọng.
Đồng thời, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp nhưng chưa gắn kết đồng bộ giữa kinh tế của nông hộ, các hợp tác xã, hệ thống doanh nghiệp với khoa học công nghệ và thị trường nên chưa thực sự mang lại hiệu quả mong muốn. Mức phí và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp áp dụng chung như các bất động sản khác còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Nhận thức của người dân về tích tụ ruộng đất còn chưa đầy đủ và có tâm lý găm giữ.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay, 90% diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình. “Chúng ta không thể phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại nếu vẫn giữ nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều địa phương áp dụng thành công mô hình tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, cũng có vài nơi thực hiện tích tụ ruộng đất nhưng nhiều năm không sản xuất, đất đai bỏ hoang. Điều này đã xảy ra ở Hậu Giang. Chúng ta cần đánh thuế cao đối với việc bỏ hoang ruộng đất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo
Thực tế trong năm qua, chính sách về đất đai có nhiều đổi mới về: quản lý, phương thức, bảo đảm giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ việc tích tụ ruộng đất không phải làm “nghèo” nông dân, mà cần có giải pháp nâng cao kiến thức tập trung đất cho người dân để họ có nhận thức đúng đắn, sẵn sàng ủng hộ phương thức sản xuất hiện đại, tiên tiến, đưa được công nghệ cao vào nông nghiệp. Qua đó, nông dân vừa có việc làm, vừa được nâng cao chất lượng đời sống, giải phóng một phần sức lao động; đồng thời góp phần thiết lập cơ chế tạo quỹ đất sẵn sàng phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Tích tụ đất đai không làm dân mất việc làm
Các đại biểu tại Hội nghị nêu thực tế: Việc đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho các đối tượng lao động rút khỏi lĩnh vực nông nghiệp chưa tốt nên chưa thúc đẩy việc chuyển dịch đất đai từ người nông dân sang cho người khác.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, những năm qua, các chính sách pháp luật về đất đai có những thay đổi hết sức quan trọng theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đất đai, mặt khác đảm bảo giải phóng sức sản xuất của các thành phần kinh tế.
Hiện nay, đã có nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai bước đầu có hiệu quả. Đây là những kinh nghiệm có thể nghiên cứu, nhân rộng thời gian gần đây. Phó Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục phân tích nhu cầu tích tụ, tập trung đất đai phục vụ nông nghiệp với quy mô lớn. Phân tích kỹ lưỡng yếu tố có cần tất cả tích tụ, hay khu vực nào cần tích tụ, khu vực nào cần phân tán.
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, cần phân tích kỹ việc tác động của việc tập trung, tích tụ đất đai đến xã hội, nông nghiệp, môi trường trong đó phân tích thật kỹ việc bỏ hạn mức tích tụ đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân.
"Phải đảm bảo lợi ích Nhà nước, các chủ thể tham gia phát triển, đặc biệt lợi ích của người dân. Tích tụ ruộng đất không làm nghèo hóa người dân, không làm dân mất việc làm, đời sống khó khăn hơn”, ông Trịnh Đình Dũng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Theo Phó Thủ tướng, để phát triển, phải giải quyết được mâu thuẫn giữa tập trung ruộng đất, giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp với việc ổn định, nâng cao đời sống của người nông dân.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn hiệu quả, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, theo ông Giang, cần đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ lợi ích của việc tích tụ, tập trung đất đai, đồng thời chủ động công tác quy hoạch và hỗ hợ người dân dồn điền đổi thửa, hạ nền cốt ruộng, hệ thống kênh mương tưới cho nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần có các chính sách mở rộng hạn điền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính...
Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng việc tích tụ, tập trung đất đai cần xem xét cụ thể đặc điểm từng vùng miền, đánh giá thật cụ thể toàn diện, thận trọng, để tránh bị đơn vị, doanh nghiệp nào đó đứng ra thỏa thuận nhằm lấy đất đai của dân nhưng lại làm việc khác có lợi cho đơn vị, doanh nghiệp, bỏ mặc người dân không việc làm, mất nguồn thu nhập, gây bất ổn cho người dân.
Trên thực tế, các nông trường, lâm trường của Việt Nam đang tích tụ, tập trung đất đai rất lớn nhưng làm ăn không hiệu quả./.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có 27,2 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 82,3% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước và chiếm 88% tổng diện tích đất đang sử dụng vào các mục đích. Hộ gia đình cá thể đang quản lý sử dụng 15 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 55% đất nông nghiệp của cả nước; tổ chức kinh tế đang sử dụng 2,7 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 10% đất nông nghiệp của cả nước. Cá nhân nước ngoài sử dụng 45.221 ha đất nông nghiệp, chiếm 0,14% tổng diện tích cả nước và chiếm 0,17% tổng diện tích đất các đối tượng sử dụng.