|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đánh thuế tiền lãi tiết kiệm: Sao cho khéo, cho vừa?

11:34 | 02/10/2017
Chia sẻ
Một trong những ý kiến được đưa ra gần đây tại một hội thảo về sửa đổi 5 luật thuế là nghiên cứu cho phép đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Đề xuất này không phải là lần đầu tiên được đưa ra. 
danh thue tien lai tiet kiem sao cho kheo cho vua
Thu thuế lãi gửi tiết kiệm phải phù hợp điều kiện thực tế của nền kinh tế Việt Nam

Phải xét từ nguồn gốc thu nhập

Cách đây 4 năm, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh từng nêu ra vấn đề này. Xét trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để bảo đảm bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Song thật khó để so sánh Việt Nam - vốn có điều kiện kinh tế, điều kiện sống và thu nhập còn thấp - với các nước phát triển trên thế giới mà ở đó người dân có thu nhập cao, chính sách phúc lợi tốt.

Phản ứng với đề xuất này, phần đông dư luận cho rằng đây là việc khá phi lý đối với tình hình Việt Nam hiện tại, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng như vậy là tận thu trên sức lao động của dân. Chưa kể nếu như việc đánh thuế này được áp dụng sẽ khiến cho các NH khó huy động tiền gửi.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Quách Mạnh Hào, giảng viên môn tài chính, ĐH Lincoln (Anh quốc) cho hay: Việc đánh thuế thu nhập từ lãi gửi tiết kiệm sẽ làm cho thu nhập ròng của người gửi tiền nói chung giảm đi. Liệu NH có khó khăn hơn trong việc huy động tiền gửi và mức độ khó khăn thế nào còn phụ thuộc vào các hình thức đầu tư khác mà người gửi tiền có thể lựa chọn. Đó là chưa kể tới việc đánh thuế sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như thu nhập của người gửi tiền và mức thuế áp dụng.

Nhìn chung, từ con mắt của công chúng, cứ thấy bị đánh thuế là họ sẽ có xu hướng không thích. Lý giải thêm về nguyên do có đề xuất đánh thuế người gửi tiết kiệm, vị chuyên gia này nhìn nhận có thể nằm ở hai yếu tố. Một là, nhà nước muốn có thêm nguồn thu trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn. Và hai là muốn khuyến khích các hoạt động đầu tư tư nhân thay vì gửi tiết kiệm.

Đồng tình với lý giải trên, TS-LS. Bùi Quang Tín chia sẻ thêm rằng mọi ý kiến, đề xuất nào cũng xuất phát trước hết từ góc nhìn của mỗi cá nhân. “Với khoản tiền gửi của DN cho NH đã quy định đóng thuế thì chúng ta không bàn. Còn đối với tiền gửi của người dân, nếu được nhìn ở góc độ như một khoản đầu tư thì hẳn nhiên bất kỳ khoản đầu tư nào mà có sinh lời, chúng ta đều phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Nhưng theo quan điểm của tôi, xét từ nguồn gốc của thu nhập chứ không nhìn từ khoản đầu tư sinh lời, thì lúc đó người dân đã bị điều chỉnh một lần thuế rồi”, ông này bày tỏ.

Cũng theo chuyên gia này, tuỳ theo góc nhìn và điều kiện của nền kinh tế để xem tác động của chính sách này nếu được thực thi đến các đối tượng trong nền kinh tế thì sẽ tác động tới hệ thống tài chính hiện nay ra sao. Đặc biệt trong điều kiện thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang phát triển tương đối tốt.

Thời điểm, cách thức phải phù hợp

Việc thu thuế tiền lãi gửi tiết kiệm cũng thường thấy tại các quốc gia. Về điểm này, TS. Quách Mạnh Hào chia sẻ: Chẳng hạn tại Anh họ cũng thu loại thuế này. Tuy nhiên, việc đánh thuế của họ được thiết kế rất hợp lý để thực sự hướng tới đúng đối tượng có thu nhập cao.

Ví dụ, họ quy định một mức tiền gửi mà dưới đó tiền lãi sẽ không phải chịu thuế. Họ cũng cho phép mở thêm tài khoản tiết kiệm cho trẻ nhỏ và cũng không phải chịu thuế ở một mức nào đó. Khi có thu nhập từ tiền lãi gửi tiết kiệm thuộc diện phải chịu thuế, thì họ lại tiếp tục quy định một mức khởi điểm mà trên đó mới phải nộp thuế. Mức khởi điểm này là riêng cho từng người và phụ thuộc vào thu nhập chung của họ, chẳng hạn từ lương và theo nguyên tắc thu nhập thấp thì mức khởi điểm cao để hạn chế người thu nhập thấp phải nộp thuế từ lãi tiết kiệm.

“Theo cách hiểu của tôi thì mặc dù đánh thuế trên tiền lãi gửi tiết kiệm, họ vẫn đảm bảo rằng những người thu nhập thấp sẽ gần như không bị đánh thuế và họ không đánh thuế những khoản tiết kiệm hợp lý cho trẻ nhỏ”- ông Hào cho biết.

Việc đánh thuế dĩ nhiên sẽ có tác động, song ở trong một nền kinh tế thị trường, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu thì các thành phần kinh tế sẽ điều chỉnh hành vi của mình. Để giảm thiểu cho người dân khi gửi tiền NH mà họ phải đóng thuế, ông Hiếu đề xuất mức thuế suất lúc đầu khoảng 5% và đồng đều cho các loại tiền gửi ở các kỳ hạn, sau này có thể điều chỉnh lãi suất với phương pháp lãi suất luỹ tiến. Và mức giảm trừ gia cảnh khi xác định thuế thu nhập cá nhân là 9 triệu đồng/tháng vẫn được duy trì.

Tham vấn các chuyên gia, phần đông ý kiến đều cho rằng yếu tố thời điểm là vô cùng quan trọng. TS. Tín cho rằng hiện tại chưa phải là thời điểm để triển khai loại này. Bởi nếu như từ cách đây 1-2 năm trước thì còn có thể, khi thị trường bất động sản, chứng khoán còn khá bấp bênh, một số thị trường kinh doanh khác có khả năng sinh lời ít thì người dân vẫn nghiêng về gửi tiết kiệm. Bây giờ thì kênh huy động vốn tiết kiệm đang phải cạnh tranh khốc liệt với các kênh đầu tư khác trong khi vốn đầu tư của nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc vào vốn tín dụng NH.

Còn quan điểm của TS. Hào thì nhận thấy, nếu nhà nước muốn đánh thuế thì đề xuất này là bình thường. Nhưng để không gây ra những xáo trộn lớn thì việc thiết kế phải đảm bảo rằng những người thu nhập thấp và trung bình sẽ không bị ảnh hưởng. Trước đó, khâu tuyên truyền để người dân hiểu đúng và thực hiện đúng cũng cần phải được thực hiện. Phản ứng tiêu cực thường xảy ra khi công chúng không hiểu đúng.

Một chuyên gia khác cũng nhận thấy nếu áp dụng ngay mà chưa truyền thông để người dân hiểu thật rõ ràng thì rất dễ có phản ứng tiêu cực, thậm chí có thể xảy ra hiện tượng lách thuế, khiến tiền gửi NH giảm xuống.

Vì thực tế, thu nhập của người Việt Nam hiện nay vẫn còn quá thấp, chỉ rơi vào khoảng 2.000 USD/người/năm, đồng nghĩa thu nhập một tháng mỗi người ở khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập của người dân một số nước lân cận gấp 4 - 5, thậm chí 10 lần. “Với mức thu nhập thấp, thì tất cả những việc đánh thuế đều là vấn đề rất nhạy cảm”, vị này cho hay.

Nếu nhà nước muốn đánh thuế thì đề xuất này là bình thường. Nhưng để không gây ra những xáo trộn lớn thì việc thiết kế phải đảm bảo rằng những người thu nhập thấp và trung bình sẽ không bị ảnh hưởng.

danh thue tien lai tiet kiem sao cho kheo cho vua Đánh thuế tiền lãi tiết kiệm để 'bịt kẽ hở'

Doanh nghiệp đi vay ngân hàng tiền lãi được khấu trừ vào thuế, vậy là nhà đầu tư có thể lách kẽ hở đó bằng ...

Minh Khuê