Đánh thuế tài sản với nhà, đất: Lo tham nhũng, 'ăn chia' trong ngành thuế
(Ảnh minh hoạ). |
Liên quan tới dự án Luật thuế tài sản, tại Tọa đàm về những đề xuất sửa đổi các Luật Thuế vừa được Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, thuế tài sản là cần thiết và chỉ có hiệu quả thực tế cao.
174/193 nước đang thu thuế tài sản
Theo TS Phong, trong thời gian gần đây, nhiều nước đang có xu hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn (chủ yếu đối với nhà, đất; ô tô hoặc giá trị tài sản của hộ gia đình), mở rộng đối tượng thu thuế tài sản với mức thu không giống nhau.
Cụ thể, dòng thuế này đóng góp tới khoảng 2% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); chiếm khoảng 0,6% tại các nước đang phát triển và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi.
Ở Mỹ, việc đánh thuế bất động sản được giao về cho các tiểu bang và có thuế suất khác nhau do giá trị BĐS ở các bang khác nhau và tùy quyền tự quyết của mỗi bang. Ví dụ, thuế suất BĐS ở bang California là hơn 1,2%/năm giá trị bất động sản (gồm nhà và đất) và là trên 3% ở bang Texas. Còn tại Canada, thuế suất cho căn nhà thứ 2 có thể lên tới 4%.
Người mua BĐS ở Singapore phải chịu thuế là 3% và sẽ phải trả thuế thêm là 7% cho ngôi nhà mua thứ hai trở đi, tức người mua có quốc tịch Singapore sẽ phải trả tổng cộng là 10% cho ngôi nhà thứ 2 này. Nếu người mua là người nước ngoài thì họ phải trả thêm là 15% cho ngôi nhà thứ 2.
"Tổng cộng, trên thế giới, 174/193 nước đang thu thuế tài sản (chủ yếu là đất và nhà), với mức thu chiếm trung bình từ 3-4% tổng số thu thuế (khoảng 2% GDP) hàng năm ở các nước phát triển và thấp hơn ở các nước khác.
Lo tham nhũng trong ngành thuế
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, về lý thuyết, pháp lý và thực tiễn, việc xây dựng và triển khai Thuế tài sản cần được chuẩn bị kỹ vì không dễ thu; ngay cả việc đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ 2 trở lên cũng không hề đơn giản, muốn là được.
Thứ nhất, hiện ở Việt Nam chưa có định nghĩa khoa học và thực tế về đối tượng thu thuế là “tài sản”, là “căn nhà” và “căn nhà thứ 2, thứ 3...”. Hơn nữa, việc thu thuế tài sản dễ bị vô hiệu hóa vì bị lách luật, nếu không có quy định về tuổi người được sở hữu tài sản hoặc việc đứng tên hộ tài sản sao cho đủ minh bạch và chặt chẽ...
Thứ hai, Việt Nam đang áp dụng “thuế sử dụng đất” và đang coi quyền sử dụng đất cũng là tài sản của cá nhân và doanh nghiệp, nếu định nghĩa không rõ thì sẽ gây mâu thuẫn, mù mờ, khó áp dụng hoặc tình trạng “thuế trùng thuế”...
"Không thể đánh đồng ngôi nhà vài chục triệu đồng với ngôi nhà biệt thực cả vài chục tỷ đồng; cũng như không thể đánh thuế ngôi nhà thứ hai, thứ ba trị mà giá trị tổng các ngôi nhà của người này không bằng một góc nhà của “đại gia” trên cùng địa bàn, mà lại không phải chịu thuế", ông cho biết.
Điều khó hơn, theo ông Phong là, giá nhà đất sẽ được tính như thế nào, theo đấu giá hay chỉ căn cứ vào khung định giá chung mà tỉnh địa phương được phép đưa ra hàng năm theo phân cấp quản lý như hiện nay.
Thứ ba, về mặt kỹ thuật, còn cần khảo sát và luận cứ chặt chẽ, tạo căn cứ khoa học, minh bạch và sự đồng thuận xã hội cao về quyền sở hữu và các loại tài sản chịu thuế; cách xác định giá trị tài sản để tính thuế; mức giá trị tài sản khởi điểm tính thuế và các mức thuế cụ thể cho từng loại tài sản và đối tượng sở hữu tài sản chịu thuế tài sản trên những địa phương và thời điểm cụ thể.
"Đặc biệt, với những tài sản “của chìm”, giá trị lớn mà người sở hữu gửi ở nước ngoài hay không khai báo, thì có bị đánh thuế hay không và chế tài cho các vi phạm sẽ ra sao? Ngoài ra, cũng cần thấy trước rằng việc thu thuế tài sản rất dễ là cơ hội cho tham nhũng trong ngành thuế, cả do các đối tượng thu thuế và người đi thu thuế đồng thuận “ăn chia”, cố tình khai báo giả để trốn thuế", ông cho biết.
Theo đó, vị chuyên gia khẳng định, thuế tài sản, trong đó có thuế cho ngôi nhà thứ hai trở lên, là loại mới và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nên không thể nóng vội, duy ý chí, mà phải có lộ trình đủ dài, phải tổ chức khảo sát thực tế và kinh nghiệm quốc tế, xây dựng dự thảo kỹ càng, được lấy ý kiến phản biện và tuyên truyền rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp để tăng sự đồng thuận và hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện.