Thuế tài sản: Thu là hợp lý nhưng không minh bạch dân sẽ bức xúc!
Ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam. |
Trao đổi với Dân trí, ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng việc triển khai thuế tài sản sẽ khó tránh khỏi sự phản đối từ phía dư luận bởi lâu nay người dân vốn đã bức xúc chuyện thuế khoá nặng nề. Tuy nhiên trong bối cảnh ngân sách hiện nay, ông Huỳnh Thế Du cho rằng việc đánh thuế tài sản vẫn hợp lý, hiệu quả hơn so với việc triển khai tăng một số loại thuế trong đó có thuế GTGT…
Thông tin về dự thảo chính sách trên mới được công bố nhưng đã gặp phản ứng khá tiêu cực từ người dân. Ông đánh giá thế nào về dự thảo chính sách này của Bộ Tài chính?
-Tôi ủng hộ triển khai thuế tài sản bởi loại thuế này đảm bảo tính công bằng hơn rất nhiều so với việc tăng thuế GTGT. Rõ ràng nếu đánh thuế này, người giàu hơn sẽ phải trả thuế nhiều hơn khi họ sở hữu nhiều tài sản hơn, nhà sang hơn, đất rộng hơn…
Bên cạnh đó về lâu dài, loại thuế này sẽ khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai, hạn chế đầu cơ đất đai, nhà ở. Đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó. Thực tế việc đầu cơ hiện nay rất nhiều, nhà đất để không quá lãng phí. Đất đai, nhà cửa phải đưa vào khai thác mới tạo ra được giá trị.
Nếu nguồn thu từ thuế tài sản được sử dụng đúng mục đích sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Bởi có nguồn lực mới có kinh phí đầu tư trở lại cho cuộc sống người dân tốt hơn, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh ở đây vấn đề về chi ngân sách, sử dụng hiệu quả đồng tiền thuế của người dân. Bên cạnh việc thu thuế tài sản thì cần phải tái cơ cấu được nguồn chi ngân sách. Chi tiêu ngân sách không hiệu quả là một vấn đề rất lớn ở Việt Nam cần được giải quyết để tránh bức xúc trong dân.
Mình cần 100 nghìn tỷ đồng thì phải tiết kiệm chi tiêu để còn chỉ cần 70 nghìn tỷ nữa thôi. Khi tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại, thuế xuất nhập giảm thì không còn cách nào khác buộc phải tăng các thuế khác. Trong đó, việc thu thuế tài sản sẽ là hợp lý hơn so với việc tăng thuế khác.
Vậy theo quan điểm của ông, thu thuế tài sản đối với nhà đất như Bộ Tài chính vừa đề xuất hợp lý hơn đánh thuế ngôi nhà thứ hai trở đi?
Về cơ bản, việc đánh thuế đối với nhà thứ hai trở đi sẽ khó khả thi, người ta sẽ tìm mọi cách lách bằng việc cho người này, người kia đứng tên. Thứ hai cũng không đảm bảo công bằng bởi nhiều khi trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà mỗi nhà rất nhỏ, rất chật hẹp lại bị đánh thuế.
Nếu đặt trong bối cảnh ngân sách không thể không tăng thu và bắt buộc phải tăng bằng cách này hay cách khác, bạn có thấy đóng thuế tài sản có hợp lý hơn không? Với kinh nghiệm nghiên cứu giảng dạy về tài chính công lâu năm, tôi cho rằng thuế tài sản là sắc thuế nên làm.
Nhiều người cho rằng hiện này giá nhà Việt Nam còn cao, nhiều người phải cố gắng rồi vay mượn mới có thể mua được một ngôi nhà. Nếu đánh thuế tài sản như vậy liệu có làm cho cuộc sống của họ càng trở nên chật vật?
-Đó là một khía cạnh mà nhà nước cần tính đến khi làm luật. Nhưng mà suy cho cùng cũng phải tính đến những vấn đề như tôi đã đề cập ở trên, đó là vấn đề mang tính vĩ mô, tổng thể. Nếu đặt trong bối cảnh ngân sách không thể không tăng thu và bắt buộc phải tăng bằng cách này hay cách khác, thì việc đánh thuế tài sản vẫn là hợp lý, công bằng.
Hiện nay rất nhiều các nước thực hiện thu thuế tài sản. Đối tượng chịu thuế tài sản ở các nước chủ yếu là đất và nhà. Trong việc bối cảnh hiện tại và xu hướng thế giới thì nên triển khai thuế tài sản tuy nhiên việc sử dụng nó phải được hợp lý, làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên cao hơn.
Nếu không triển khai thuế tài sản mà thay vào đó tận thu bằng nhiều cách khác thì rất bất lợi cho người nghèo và có lợi cho người giàu. Rõ ràng thuế này sẽ đánh vào những người giàu nhiều hơn (vì họ có tài sản nhiều hơn).
Thay vào đó, nếu nhà nước tăng thuế GTGT thì chính là đánh thẳng vào túi tiền của người nghèo rất nhiều, rất không công bằng và bất hợp lý.
Như ông nói, thu là hợp lý nhưng việc chi phải được dùng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên trên thực tế thì có câu chuyện đóng thuế là nghĩa vụ nhưng việc chi tiêu ngân sách nhiều còn bất cập. Vậy nếu việc thu thì cứ thu còn chất lượng cuộc sống của người dân vẫn vậy thì làm thế nào?
-Nguyên tắc ở các nước thì thuế tài sản là thuế địa phương, tức là không chỉ chi đến từng tỉnh mà đến từng hạt, từng vùng… Ví dụ như quận 1 thu 100 tỷ đồng thì cần phải phân phối lại cho họ để họ cải thiện chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ cơ bản khác ở quận đó…
Đó là cách phân phối thuế tài sản một cách hợp lý. Còn tất nhiên nếu ông cứ lạm thu, cứ thu nhưng chi không hợp lý, người dân không được hưởng lợi thì sẽ bị mất niềm tin, người dân sẽ phản đối và các chính sách khó thực thi.
Quả thực hiện nay câu chuyện phúc lợi của người dân còn nhiều vấn đề đáng bàn. Về kinh tế học thì không thể chi theo kiểu “đồng nào mua mắm, đồng nào mua dưa” được. Nhưng về thuế và nguồn thu thì nhiều trường hợp cần phải làm thế. Làm vậy để tránh tình trạng lạm thu và chi không đúng mục đích.
Ví dụ, việc quy định thuế tài sản cho các mục đích sử dụng của địa phương hay thuế xăng dầu dùng đề xây đường cao tốc trong những năm 1950 ở Mỹ đã phát huy tác dụng rất lớn.
Nước Mỹ đã xây dựng được một hế thống đường cao tốc hiện đại như vậy vì có một thời kỳ người ta đành “nặng” thuế xăng dầu. Nhưng số tiền đó chỉ được dùng xây đường cao tốc mà không được làm gì cả.
Tôi đồng ý đánh thuế tài sản nhưng mà việc đó chỉ được dùng nhằm cung cấp làm dịch vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Có cảm giác hiện nay Bộ Tài chính liên tục đưa ra các đề đề xuất tăng thuế khiến cho người dân có cảm giác vì tụt thu nên tận thu. Điều này làm cho người dân cảm thấy nặng nề và sau đó dù có đưa ra bộ luật gì chỉ cần nói đến “thu” thôi thì ngay lập tức bị phản ứng.
Vậy phải làm thế nào để tìm kiếm sự đồng thuận từ phía người dân thưa ông?
-Vấn đề cuối cùng vẫn là câu chuyện minh bạch trong chi tiêu ngân sách. Muốn giải quyết được vấn đề này, đầu tiên đảm bảo chi tiêu sao cho tiết kiệm, hiệu quả, xây dựng một nền hành chính công thực sự minh bạch, tinh giản. Chi tiêu ngân sách không hiệu quả là một vấn đề rất lớn ở Việt Nam.
Giờ không còn cách nào khác giờ phải siết chặt chi tiêu. Nếu không chi hiệu quả mà cứ tăng thu kiểu vậy thì sẽ tăng sự bức xúc của người dân. Cần quyết liệt tinh giản bộ máy, giảm những công chức viên chức ăn lương nhà nước mà kém hiệu quả, “ăn không ngồi rồi” đi, giảm đoàn thể tiêu dùng ngân sách mà không có tác dụng gì đi.
Bên cạnh đó phải cải thiện tái cơ cấu kinh tế, giảm khu vực DNNN làm ăn kém hiệu quả, những công trình hàng nghìn tỷ thua lỗ, tham nhũng tiêu cực phải làm cho giảm đi…
Có làm được như vậy niềm tin người dân mới tăng lên. Việc này đã nói nhiều rồi nhưng cần được làm quyết liệt hơn nữa. Nếu cứ đóng thuế rồi mang đi sử dụng “lung tung” thì lâu dần sẽ mất niềm tin của người dân.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Như Dân trí đã đưa tin, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.
Bộ Tài chính giải thích cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.
Còn đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.
Như Dân trí đã đưa tin, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Bộ Tài chính giải thích cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng. Còn đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất. |