Chuyện thế giới đánh thuế tài sản và mặt trái của thuế tài sản
Xu hướng không đánh thuế tài sản
Dường như nhiều người, bao gồm một vài chuyên gia, ngầm thừa nhận rằng, đánh thuế tài sản là phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng nên áp dụng.
Thực tế không phải vậy. Theo hiểu biết của người viết, đa số các quốc gia giàu có trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và nhiều quốc gia đang phát triển xung quanh Việt Nam đều chỉ áp dụng thuế chuyển nhượng tài sản, chứ không áp dụng thuế đánh vào giá trị tài sản như luật thuế tài sản đang nhắm đến.
Việc đánh thuế tài sản chắc chắn sẽ tác động xấu tới thị trường bất động sản. Ảnh: Đức Thanh |
Thuế đánh vào giá trị tài sản là thuế thường xuyên, dựa vào giá trị tài sản mà một cá nhân sở hữu. Theo hiểu biết của người viết, định nghĩa này phù hợp với tinh thần luật thuế tài sản mà Việt Nam đang hướng đến.
OECD mới công bố một tài liệu mới về lịch sử áp dụng thuế tài sản trong khối. Trong tài liệu này, họ nhận định rằng, thuế đánh vào giá trị tài sản chỉ tồn tại ở rất ít nước trong khối. Số nước áp dụng thuế này đã giảm từ 12 nước ở thập niên 90 của thế kỷ trước xuống còn 4 nước vào năm 2017 (Pháp, Na Uy, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ). Các nước còn lại chủ yếu áp dụng thuế đánh khi chuyển nhượng tài sản, chứ không áp dụng thuế đánh vào giá trị tài sản.
Không chỉ trong số các nước giàu có trong khối OECD, mà nhiều nước đang phát triển cũng không áp dụng thuế đánh vào giá trị tài sản. Trong số những nước được đề cập trong báo cáo thuế tài sản và thừa kế toàn cầu 2017 của Công ty kiểm toán Ernst&Young, đa số các nước không có thuế tài sản, mà chỉ có thuế chuyển nhượng tài sản.
Nhiều nhân tố dẫn đến việc bãi bỏ loại thuế đánh vào giá trị tài sản. Các nguyên nhân chính là thu thuế không hiệu quả, không đảm bảo công bằng và rủi ro tháo chạy vốn. Các tác giả của báo cáo trên nhận thấy, thuế đánh vào giá trị tài sản không đạt được mục tiêu tái phân phối thu nhập, đồng thời lại gặp khó khăn trong việc chống tránh thuế, chi phí quản lý thuế cao (khó khăn trong việc định giá, thủ tục định giá và tranh chấp về định giá), sự không hài lòng của người dân.
Sự khác biệt giữa thuế tài sản và chuyển nhượng tài sản rất quan trọng, vì thuế chuyển nhượng chỉ đánh khi giao dịch diễn ra và người giàu có mới thường mua bán tài sản. Thuế chuyển nhượng tài sản có thể rất cao khi người ta mua bán căn nhà từ thứ hai trở đi (như ở Anh). Như vậy, tính phân phối bình đẳng thu nhập sẽ được đảm bảo hơn. Hơn nữa, khi có giao dịch thì cũng dễ xác định giá trị để đánh thuế hơn.
Sao chép chính sách
Không rõ vô tình hay cố ý, thời điểm đưa ra đề xuất thuế tài sản này ở Việt Nam cũng gần với thời điểm Trung Quốc cân nhắc áp dụng thuế đối với nhà ở từ năm 2019.
Trung Quốc hiện tại không đánh thuế lên tài sản, mà chỉ đánh thuế lên giao dịch chuyển nhượng tài sản ở mức 0,05%. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, chính quyền Trung Quốc đã xem xét áp dụng chính sách mới từ năm 2019 là đánh thuế bất động sản.
Việc áp dụng thuế đánh vào giá trị nhà đất mới này là một chủ đề gây nhiều tranh cãi từ hơn một năm qua ở Trung Quốc. Đến tháng 1/2017, nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng, Trung Quốc sẽ không áp dụng loại thuế này vì rủi ro làm sụp đổ thị trường nhà đất. Tuy nhiên, vào quý cuối cùng của năm 2017, quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc có vẻ đã rõ ràng là họ sẽ đánh thuế nhà đất.
Tờ South China Morning Post đã đánh giá, đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất khi chính sách này được đề ra vào cuối năm ngoái. Tờ báo cho biết, những người phản đối chính sách này cho rằng, không như những nước khác, người Trung Quốc không thật sự sở hữu quyền tuyệt đối với nhà ở của mình, do đó, không nên bị buộc phải trả thuế bất động sản.
Đây là một tranh luận mà Việt Nam cần tham khảo vì tình huống cũng gần giống Trung Quốc. Điều gì đảm bảo thử nghiệm mới của Trung Quốc tốt hơn chính sách hiện tại?
Một lo ngại khác khi áp dụng chính sách này là nó có thể tác động xấu đến thị trường nhà của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc muốn hạn chế tình trạng bong bóng nhà cửa, nhưng nhiều người lo ngại rằng, việc áp dụng chính sách này quá sớm sẽ tạo ra một cuộc đổ vỡ lớn. Liệu Việt Nam có cần vội vã đi theo hướng đi của người ta khi mà không biết kết quả áp dụng của nó ra sao?
Đó là những thông tin mà công chúng cần được biết rõ và được giải thích thấu đáo khi thảo luận về vấn đề thuế tài sản.