Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu
Theo trang web bbc.com phiên bản tiếng Trung Quốc, đến thời điểm này, hầu hết các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ ngắn hơn so với thời gian dự báo ban đầu, nhưng với quy mô nghiêm trọng hơn khi ảnh hưởng lan rộng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau về dự báo mức độ ảnh hưởng.
Hãng tin Reuters mới đây dẫn lời các chuyên gia y tế và nhà kinh tế cho rằng việc thiếu những số liệu minh bạch ở Trung Quốc, cùng với việc không có tiền lệ, khiến cho các ước tính thực sự trở nên khó khăn.
Trung Quốc hiện nay đã không còn là Trung Quốc vào thời điểm xảy ra dịch bệnh Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003, trong khi tình hình kinh tế thế giới cũng không như trước đây.
Khi dịch SARS tấn công châu Á năm 2003, đóng góp của Trung Quốc vào GDP toàn cầu chỉ là 4%, so với 15% vào năm 2017. Trong năm đó, tỷ lệ doanh nghiệp Trung Quốc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu thấp hơn nhiều.
Chuỗi cung ứng toàn cầu
Hiện nay, tất cả các bên đều quan tâm đến các ngành công nghiệp hữu quan của Trung Quốc có liên quan chặt chẽ đến chuỗi cung ứng quốc tế.
Do thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc – nơi dịch bệnh nghiêm trọng nhất – vẫn đang ở vào trạng thái phong tỏa, thời gian phục hồi sản xuất đến nay vẫn chưa rõ.
Vũ Hán không chỉ là một thành phố lớn với dân số hàng chục triệu người, mà còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp chế tạo của Trung Quốc. Thành phố này có các cụm công nghiệp quy mô lớn trong các lĩnh vực điện tử, xe hơi và dược phẩm.
Nếu ngành sản xuất và dòng chảy của Vũ Hán đình chỉ, các công ty ở hạ nguồn trong chuỗi công nghiệp ở bên ngoài Hồ Bắc cũng có thể phải đối mặt với vấn đề gián đoạn về cung cấp và sản xuất.
Tờ The Guardian (Anh) chỉ rõ, nhiều công ty toàn cầu dựa vào các nhà cung cấp của Trung Quốc. Ví dụ, trong số 800 nhà cung cấp của Apple, có 290 nhà cung cấp ở Trung Quốc, Trung Quốc chiếm 9% sản lượng TV trên toàn cầu.
50% ngành sản xuất của Vũ Hán có liên quan đến ngành công nghiệp ô tô, 25% liên quan đến các nguồn cung công nghệ khác trong khu vực. Giới lãnh đạo các hãng xe hơi ở châu Âu và Mỹ đã cảnh báo rằng họ chỉ còn vài tuần nữa là thiếu nguồn cung liên quan đến xe ô tô.
Do thiếu các linh kiện do Trung Quốc cung ứng, Hyundai Motors đã ngừng hoạt động tại Hàn Quốc trong vài ngày.
Tác động đến các quốc gia khác ở khu vực châu Á
Theo phân tích của The Guardian, Đông Nam Á hiện là một trong những khu vực đang đứng trước nguy cơ cao nhất vì có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế địa phương khổng lồ của Trung Quốc.
Mặc dù Nhật Bản giàu có hơn, nhưng nước này cũng phải đối mặt với những rủi ro lớn. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn về máy móc công nghiệp, xe ô tô, xe tải và hàng tiêu dùng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.
Một số lượng lớn linh kiện do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu sang các nhà máy Nhật Bản.
Ngoài ra còn có hàng triệu khách du lịch Trung Quốc đến Nhật Bản mỗi năm. Nhật Bản đã có sự chuẩn bị trong việc hủy 400.000 khách du lịch đến Nhật Bản trong quý I năm nay.
Nền kinh tế Australia cũng liên kết chặt chẽ với Trung Quốc. Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo dịch bệnh COVID-19 sẽ gây sức ép lớn đến nền kinh tế Australia. Rất nhiều trường đại học Australia, nơi tiếp nhận một lượng lớn sinh viên Trung Quốc, cũng chịu ảnh hưởng.
Tác động đến Anh, EU và Mỹ
Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney gần đây đã tuyên bố trước Ủy ban về các vấn đề kinh tế Hạ viện rằng tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn tác động kinh tế do sự lây lan của dịch SARS năm 2003.
Mặc dù gần đây có thông tin nói rằng số người bị nhiễm mới COVID-19 đang giảm, nhưng hiện còn quá sớm để đưa ra phán đoán toàn diện về tình hình kinh tế vĩ mô của Trung Quốc và quốc tế.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình.
Ông Carney khẳng định các bài kiểm tra áp lực đối với ngành ngân hàng Anh cho thấy các ngân hàng nước này đã chuẩn bị tốt để đối phó với tác động lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế. Một số chuyến gia kinh tế cho rằng hiện nay vẫn còn khó để dự đoán tác động quốc tế của COVID-19.
Giống như các nước châu Âu khác, Anh có thể sẽ hạn chế dòng khách du lịch Trung Quốc đến Anh mà không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, các điểm nóng du lịch của Anh mà du khách Trung Quốc rất thích đến tham quan, như trung tâm mua sắm Bicester Village ở Oxfordshire, có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tờ The Guardian cho biết, nếu thương mại toàn cầu bắt đầu chậm lại như dự báo, Anh sẽ cảm nhận được tác động lớn hơn. Anh có mối liên hệ chặt chẽ với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, vì vậy khi nền kinh tế toàn cầu “hắt hơi”, Anh luôn bị “cảm lạnh”.
Năm ngoái, ngành công nghiệp sản xuất của Anh rơi vào suy thoái do cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tờ “Tin tức hàng ngày” (Đức) mới đây có bài viết cho rằng nền kinh tế Đức sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Pet Peter Altmaier đầu tháng 2/2020 nhận định, còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng của COVID-19 đến nền kinh tế Đức như thế nào.
Hãng tin EU Reporter dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ, Tào Trung Minh cho rằng những thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động đến châu Âu, nhưng ảnh hưởng chỉ là tạm thời và trong tầm kiểm soát.
Sau khi dịch bệnh kết thúc, hợp tác giữa Trung Quốc và EU sẽ tiếp tục phát triển gắn bó như trước đây, đà phát triển cũng sẽ sớm được phục hồi.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva mới đây tuyên bố IMF vẫn đang đánh giá tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế. Bà hy vọng rằng tác động này sẽ là hình chữ V, nghĩa là nền kinh tế sẽ được phục hồi nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn.
Trong khi đó, phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ về dự thảo ngân sách năm tài khóa 2021, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế là sự kiện một lần và sẽ không tiếp tục sau năm 2020.