|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đang vật lộn với dịch virus corona, Trung Quốc lại phải lo chống chọi với dịch châu chấu

14:52 | 03/03/2020
Chia sẻ
Trung Quốc tăng cường cảnh báo đối với nạn châu chấu đã tàn phá mùa màng ở Pakistan, Ấn Độ và Đông Phi. Nếu nạn châu chấu thực sự xảy ra, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải chịu thêm một đòn đau nữa bên cạnh những thiệt hại từ dịch virus corona.
Liệu Trung Quốc có thể đối phó với nạn châu chấu trong khi phải chống chọi với virus corona? - Ảnh 1.

Châu chấu đã tàn phá mùa màng ở Pakistan, Ấn Độ và Đông Phi - và bây giờ Trung Quốc đang có nguy cơ bị loại côn trùng này tấn công. Ảnh: Reuters

Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin hôm 2/3, Cục Quản lí Lâm nghiệp và Đồng cỏ Nhà nước Trung Quốc đăng thông báo khẩn cấp trên website: "Dù các chuyên gia tin rằng nguy cơ bầy châu chấu tiến vào nước ta và gây ra thiệt hại lớn là rất thấp, Trung Quốc sẽ gặp khó trong việc theo dõi chúng vì thiếu các kĩ thuật giám sát và có ít kiến thức về hình mẫu di chuyển nếu chúng thật sự xâm lấn".

Bắc Kinh đã tập hợp một đội đặc nhiệm để theo dõi, kiểm soát và - nếu có thể - ngăn chặn những con côn trùng háu ăn này tiến đến Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp giữa các chuyên gia ngay trong tháng này để thảo luận và phối hợp các biện pháp chống châu chấu trên toàn quốc, bao gồm cả hệ thống cảnh báo khẩn cấp.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng mối đe dọa từ châu chấu là thấp nhưng mức độ cảnh báo đã được nâng lên kể từ giữa tháng 2 khi Bộ Nông nghiệp quyết định theo dõi hướng di chuyển của bầy châu chấu và nghiên cứu cách để ngăn chặn loại côn trùng này.

Mối đe dọa nông nghiệp và kinh tế Trung Quốc

Theo SCMP, nông nghiệp Trung Quốc đã có một năm 2019 khó khăn: Hơn một triệu héc-ta đất nông nghiệp bị tàn phá bởi sâu keo mùa thu, trong khi đó dịch tả lợn châu Phi buộc nước này phải tiêu hủy một nửa đàn lợn 440 triệu con trên toàn quốc.

Nếu nạn châu chấu thực sự xảy ra, nền kinh tế của Trung Quốc – vốn đã suy yếu do dịch virus corona – có thể giảm sâu hơn nữa. Tính đến 2/3, Trung Quốc có hơn 80.000 nhiễm virus corona và hơn 2.900 trường hợp tử vong.

Theo công ty dữ liệu tiêu dùng và thị trường Statista của Đức, trong năm 2018, nông nghiệp đóng góp 7,2% cho GDP của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Châu chấu sa mạc là một trong những loài gây hại lâu đời và có sức tàn phá mùa màng, đồng cỏ và vỏ cây nguy hiểm nhất thế giới. Theo Liên Hợp Quốc, một đàn châu chấu bao phủ diện tích 1 km2 trong một ngày có thể tiêu thụ lượng thực phẩm tương đương với 35.000 người.

Cuối tháng 1, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) đã kêu gọi các nước chung tay để đối phó với nạn châu chấu sa mạc khủng khiếp nhất thế giới trong nhiều thế kỉ.

Tổ chức này cho biết đàn châu chấu xuất hiện ở Ethiopia, Kenya và Somalia "có qui mô và khả năng hủy diệt lớn nhất từ trước tới nay".

Mùa hè năm ngoái, những cơn mưa do gió mùa lớn nhất trong vòng 25 năm trở lại tại Ấn Độ và Pakistan đã giúp cho thảm thực vật hai nước này phát triển mạnh mẽ. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc châu chấu có thêm nhiều thức ăn.

Liên Hợp Quốc cảnh báo nạn châu chấu có thể sẽ tạo ra khủng hoảng an ninh lương thực thế giới.

Liệu Trung Quốc có thể đối phó với nạn châu chấu trong khi phải chống chọi với virus corona? - Ảnh 2.

Khí hậu thuận lợi đã giúp châu chấu sa mạc sinh sôi mạnh mẽ. Ảnh: Reuters

Các dự đoán

Bắc Kinh cho biết trong điều kiện thời tiết thích hợp, đàn châu chấu có thể bay từ Pakistan và Ấn Độ tới Tây Tạng, rồi tiến vào phía tây nam tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Cũng có thể chúng sẽ di cư từ Kazakhstan tới khu tự trị Tân Cương ở phía tây.

Hồi tháng 2, nhà nghiên cứu Zhang Zehua của Viện Bảo vệ Thực vật của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc nói với hãng thông tấn Tân Hoa Xã rằng Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng ở miền bắc Trung Quốc có thể đóng vai trò làm lá chắn ngăn cản bầy châu chấu.

Ông Zhang nói: "Khả năng đàn châu chấu sa mạc di cư trực tiếp vào Trung Quốc là cực kì thấp. Tuy nhiên, nếu dịch châu chấu tại nước ngoài tiếp tục kéo dài, khả năng chúng tiến đến Trung Quốc vào tháng 6 và tháng 7 sẽ tăng nhanh chóng".

Tháng trước, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết rằng châu chấu phát triển mạnh nhất trong môi trường 40 độ C và độ ẩm 60%-70%. Điều này có nghĩa chúng sẽ khó sống sót ở miền nam Tây Tạng.

Giang