Đằng sau việc rút chân khỏi mảng đồ uống của KIDO
KIDO từ bỏ mảng đồ uống
Ngày 16/12, CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) bất ngờ thông báo ý định thoái vốn khỏi CTCP Đầu tư Thương mại TTV, đơn vị vận hành chuỗi F&B dưới thương hiệu Chuk Chuk . Nguyên nhân chưa được tập đoàn công bố.
Đây là dự án đuợc ấp ủ trong 20 năm của doanh nhân Trần Lệ Nguyên, được ra mắt vào tháng 6/2021, thời điểm đỉnh cao của dịch COVID-19 tại TP HCM, đây cũng là lúc chi phí mặt bằng thấp so với trước dịch.
Vốn điều lệ ban đầu theo công bố là 100 tỷ đồng, trong đó KIDO sở hữu 61%. Tại báo cáo tài chính quý III/2022, KIDO đang đầu tư hơn 308 tỷ đồng tại TTV.
Lúc đó, KIDO mong muốn tạo nên Chuk Chuk thành thương hiệu quốc gia trong thị trường F&B với tham vọng bao phủ trong nước và phát triển chuỗi nhượng quyền thương hiệu theo chuẩn quốc tế.
KIDO từng tham vọng mở 100 điểm bán đến năm 2023, doanh thu 1.200 tỷ đồng. Cập nhật trên website, Chuk Chuk hiện có tổng cộng 47 cửa hàng tại TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước Chuk Chuk, KIDO cũng đã tuyên bố giải thể Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm và đồ uống Vibev do Vinamilk và KIDO đồng thành lập vào tháng 3/2021. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 400 tỷ đồng, trong đó KIDO góp 49%, Vinamilk 51%, với kỳ vọng sẽ tận dụng được lợi thế hệ thống phân phối có sẵn của cả hai tập đoàn lớn.
Vibev hướng tới việc nắm giữ vị thế dẫn đầu trong ngành nước tươi, một ngành tiềm năng nhưng gặp nhiều thách thức. Theo một chuyên gia trong ngành F&B, các sản phẩm nước uống fresh có thời hạn sử dụng ngắn, hạn chế về vận chuyển và bảo quản lạnh cần nghiêm ngặt hơn so với các loại nước có gas và có cồn.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của KIDO, tại ngày 30/9, giá trị còn lại của khoản đầu tư tại Vibev là 160,3 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 49%. So với số vốn 195 tỷ đồng bỏ ra ban đầu, KIDO đã lỗ gần 35 tỷ đồng.
Giải thích về việc tan rã của liên danh, KIDO chưa đưa ra bình luận gì. Còn Vinamilk cho biết nguyên nhân là do một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh của cả hai tập đoàn.
Công bố chiến lược mới
Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 20/12 , ông Trần Lệ Nguyên, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc KIDO cho biết tập đoàn đã có chiến lược kinh doanh mới, hợp tác với tập đoàn lớn từ nước ngoài song danh tính chưa được tiết lộ.
Tập đoàn sẽ liên doanh liên kết với các tập đoàn đa quốc gia theo từng ngành nghề, tập trung vào dầu ăn và ngành lạnh. Việc ký kết chiến lược với một tập đoàn lớn từ nước ngoài sẽ giúp KIDO trong các khâu sản xuất và đưa sản phẩm xuất khẩu ra các nước lân cận.
Bên cạnh đó, KIDO sẽ tách ra thành 4 nhóm ngành là dầu ăn, kem, bánh kẹo và nước mắm. Có thể thấy, mảng đồ uống không còn được nhắc đến trong định hướng phát triển của tập đoàn như trước đây.
Thực tế, nguồn thu chính của KIDO đến chủ yếu là mảng dầu ăn và ngành lạnh (kem, sữa chua và đồ đông lạnh). Theo thống kê từ năm 2017 đến nay, mảng dầu ăn luôn duy trì mức 80% tỷ trọng doanh thu thuần của KIDO, còn ngành lạnh chiếm 16-19%.
Riêng 11 tháng đầu năm 2022, 81% doanh thu của KIDO đến từ mảng dầu ăn, ngành lạnh đóng góp 16%. 3% còn lại đến từ các ngành khác bao gồm cả bánh kẹo, nước chấm, lẫn ngành đồ uống, khoảng 344 tỷ đồng.
Với ngành dầu ăn, hiện KIDO đang sở hữu thương hiệu Dầu Tường An, Vocarimex và KIDO Nhà Bè, giúp công ty đứng thứ hai về thị phần ngành với 39% (tính cả sở hữu chéo), xếp sau Calofic. KIDO đang có tham vọng mở rộng ra miền Bắc để giành vị trí quán quân.
Tháng 11, KIDO thông qua cho công ty thành viên Vocarimex bán 24% cổ phần đang nắm giữ tại Calofic cho Siteki Investment với giá 2.157 tỷ đồng. Nếu thương vụ thành công, hãng dầu ăn dẫn đầu thị phần Calofic sẽ hoàn toàn thuộc về đối tác ngoại. KIDO lúc đó sẽ thu về khoản tiền hàng nghìn tỷ để chuẩn bị cho chiến lược mới.
Bên cạnh đó, mảng kem của KIDO đang chiếm 44% thị phần, song ngành lạnh nói chung lại đang cạnh tranh khốc liệt với phía Vinamilk, TH Truemilk, hay các thương hiệu quốc tế Nestlé,… buộc tập đoàn phải tìm hướng xuất khẩu để gia tăng doanh thu.