|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đằng sau lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với tiền kỹ thuật số

07:12 | 22/06/2021
Chia sẻ
Giá các đồng tiền kỹ thuật số đã biến động mạnh trong những tuần gần đây, khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát hoạt động giao dịch và khai thác các đồng tiền này.

Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã yêu cầu các mỏ "đào" tiền ảo phải đóng cửa, giữa lúc chính phủ đang thắt chặt kiểm soát đối với lĩnh vực "trong bóng tối" này. 

Gần đây nhất, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã ra lệnh đóng cửa 26 mỏ và yêu cầu các công ty năng lượng không được cung cấp điện cho các cơ sở này. Đông thái này đã khiến giá bitcoin có lúc giảm khoảng 10% xuống còn 32.309 USD trong phiên giao dịch ngày 21/6.

Bắc Kinh đang thắt chặt kiểm soát đối với hệ thống tài chính. Trong khi đó, ngân hàng trung ương của một quốc gia lại không thể truy vết bitcoin, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, và các đồng tiền ảo khác, khiến cho việc kiểm soát các đồng tiền này trở nên rất khó khăn. 

Chính vì vậy, giới chức Trung Quốc trong tháng này đã cấm giao dịch tiền kỹ thuật số nhằm "ngăn chặn và kiểm soát các nguy cơ tài chính".

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc lo ngại hoạt động đầu tư và huy động vốn trái phép sẽ "sinh sôi nảy nở". Bắc Kinh đã ban hành các quy định nghiêm ngặt để quản lý dòng vốn. Nhưng các giao dịch tiền kỹ thuật số lại đe dọa những quy định này.

Ngoài ra, việc kiểm soát tiền điện tử cũng mở cánh cửa để Trung Quốc tung ra đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình, vốn đang được xây dựng, cho phép chính phủ kiểm soát các giao dịch. 

Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm đồng NDT điện tử vào tháng Ba. Kế hoạch này nhằm mục đích cho phép Bắc Kinh tiến hành các giao dịch bằng chính đồng tiền của mình trên toàn thế giới, qua đó giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, vốn vẫn là đồng tiền có vị thế vượt trội trên thị trường thế giới.

Các trung tâm dữ liệu bitcoin của Trung Quốc vận hành gần 80% hoạt động giao dịch tiền kỹ thuật số trên toàn thế giới. Nguồn năng lượng và phần cứng giá rẻ đã giúp các công ty Trung Quốc có thể xử lý một lượng khổng lồ các giao dịch tiền điện tử và "đào" tiền mới.

Trung Quốc dựa vào một loại than đá đặc biệt gây ô nhiễm môi trường là than lignite để cung cấp năng lượng cho một phần hoạt động "đào" tiền ảo. 

Hãng tin Bloomberg dự đoán phải đến năm 2060 năng lượng tái tạo mới có thể đáp ứng nhu cầu của tiền kỹ thuật số. Hoạt động đào tiền ảo được dự đoán sẽ sử dụng đến 0,6% tổng sản lượng điện của toàn thế giới trong năm 2021, nhiều hơn cả mức tiêu thụ điện hàng năm của Na Uy, theo Chỉ số tiêu thụ điện từ bitcoin của Đại học Cambridge.

Trung Quốc ban hành các giới hạn khắt khe đối với lĩnh vực tiền điện tử một phần có thể là do nhu cầu điện khổng lồ của ngành này đã khiến hoạt động khai thác than đá trái phép phát triển mạnh, từ đó đặt ra một nguy cơ nghiêm trọng cho các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của Bắc Kinh.

Khánh Ly (Theo AFP)

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.