Iran muốn biến Vịnh Ba Tư thành trung tâm giao dịch tiền ảo
Theo nguồn tin mới nhất của Bitcoin News, các nhà chức trách Iran đang có kế hoạch tạo ra một khu vực tự do tài chính trong lãnh thổ, tập trung thu hút những người khai thác tiền ảo trên toàn cầu.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin (TT-CNTT) Iran Muhammad Javad Azari Jahromi đã khẳng định đảo Kish ở vùng Vịnh có những yếu tố cần thiết để trở thành một trung tâm trao đổi tiền ảo lớn, đáng tin cậy.
Biến Vịnh Ba Tư thành trung tâm giao dịch tiền ảo thế giới
Trong chuyến thăm gần đây đến đảo Kish, Bộ trưởng Muhammad Javad Azari Jahromi đã có nhận xét tích cực đưa ra đề xuất thân thiện với thị trường và tương lai của tiền ảo. Kish là hòn đảo rộng 91 km2, nằm ngoài khơi bờ biển Vịnh Ba Tư ở miền Nam Iran, được định hướng trở thành một trong những khu thương mại tự do của nước này.
Hãng thông tấn IRNA dẫn lời người đứng đầu Bộ TT- CNTT cho biết: "Kish có sẵn điều kiện cơ sở hạ tầng để nổi lên như một trung tâm trao đổi tiền ảo quốc tế trong khu vực. Các nhà chức trách nên bắt đầu những cuộc đàm phán với các nước láng giềng".
Từ trước tới nay, đảo Kish là một điểm đến du lịch nổi tiếng ở Vịnh Ba Tư, với rất nhiều trung tâm mua sắm và khách sạn. Dân số thường trú của hòn đảo bao gồm khoảng 40.000 cư dân, nhưng các điểm thu hút khách du lịch và tình trạng khu thương mại tự do của nó mới thực sự là một "thỏi nam châm" thu hút tới 1 triệu du khách mỗi năm. Chính phủ Tehran cũng có kế hoạch thiết lập một khu vực tự do tài chính ở đó.
Nguồn điện được tạo ra trên đảo Kish cũng không thể chuyển vào đất liền và những người khai thác tiền điện tử được hoan nghênh sử dụng năng lượng dư thừa đó để đào tiền ảo, Financial Tribune lưu ý.
Theo báo cáo của hãng tin này, 12 cơ sở khai thác tiền ảo đã và đang duy trì hoạt động tại các khu thương mại tự do ở đảo Kish, Maku và Aras, cũng như trong Đặc khu kinh tế Payam ở tỉnh Alborz, Shiraz Bushehr và Rafsanjan của Iran.
Chính phủ Iran xây dựng lộ trình quản lý các sàn giao dịch tiền ảo
Mặc dù khai thác tiền ảo là hoạt động hợp pháp đối với các công ty được cấp phép ở Iran, nhưng việc giao dịch tài sản kỹ thuật số thường bị cấm với một số ngoại lệ.
Vào tháng 4/2021, Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) đã cho phép các ngân hàng và sàn giao dịch trong nước sử dụng tiền ảo được khai thác nội địa để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, chính quyền Iran vẫn cố gắng hạn chế nhiều giao dịch khác, khiến nhiều doanh nghiệp fintech cảnh báo rằng các hạn chế có thể tước mất những cơ hội của đất nước.
Đề xuất của Bộ trưởng Bộ TT-CNTT tin Iran được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách ở Tehran đang nỗ lực chuẩn bị các quy định mới cho sàn giao dịch tiền điện tử.
Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính của đất nước Farhad Dejpasand tuyên bố rằng chính phủ không thể can thiệp vào sự phát triển của công nghệ tiền điện tử quá lâu. Tuy nhiên, truyền thông Iran cũng lưu ý rằng thực tế sẽ phức tạp hơn khá nhiều, không chỉ vì thách thức pháp lý mà vì những vấn đề khó quản lý, chịu trách nhiệm với đầu tư, giao dịch tiền ảo.
Ông Abolfazl Rouhani, Phó Chánh văn phòng Hội đồng Không gian mạng cấp cao của Iran, gần đây đã nói rằng: "Tiền ảo có thể giúp đất nước vượt qua các lệnh trừng phạt trong một số trường hợp hạn chế", đồng thời nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương nên đưa ra một cách tiếp cận rõ ràng cho hiệu ứng này.
Tuy nhiên, CBI đã chỉ ra rằng họ không vội vàng với các quy tắc mới cho các sàn giao dịch tiền điện tử. Cơ quan quản lý đang có kế hoạch hợp tác với các tổ chức chính phủ khác trên một lộ trình để quản lý thị trường tiền ảo.