|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đằng sau chính sách 'thắt lưng buộc bụng' của Big Tech: Từng bao bọc người lao động, song giờ đây buộc phải sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí

09:00 | 16/05/2022
Chia sẻ
Trong những nỗ lực nhằm thay đổi tình hình sau những quý làm ăn không hiệu quả, nhiều Big Tech đang hạn chế tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên, những người từng được họ bảo vệ, để cắt giảm chi phí.

Trước khi tỷ phú Elon Musk đạt thỏa thuận mua lại mạng xã hội Twitter, nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon Keith Rabois đã đăng một dòng tweet kể lại câu chuyện về những ngày đầu khởi nghiệp của CEO Tesla, theo Bloomberg.

Các công ty công nghệ hạn chế tuyển dụng lao động

Một lần, tại Space Exploration Technologies Corp., Musk đã để ý thấy một nhóm thực tập sinh đang túm tụm lại để nói chuyện khi xay cà phê. Đối với một CEO bình thường thì cảnh tượng như vậy không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, đối với Elon Musk, đó là một điều đáng ngại đối với năng suất làm việc.

Theo Rabois, người biết Elon Musk từ những ngày còn làm việc tại PayPal, CEO Tesla đã tuyên bố thẳng thừng rằng sẽ sa thải tất cả thực tập sinh nếu việc họ túm tụm lại để xay cà phê còn xảy ra, đồng thời lắp đặt camera an ninh để giám sát.

Elon Musk hoàn toàn có thể đưa ra những cách giải quyết khác thay vì đe dọa sa thải nhân viên. Tuy nhiên, đó không phải là Elon Musk, một CEO nổi tiếng khắt khe, người từng ngủ dưới bàn làm việc trong quá trình thúc đẩy sản xuất và sẵn sàng đe dọa sa thải bất kỳ ai phản đối.

CEO Tesla không phải trường hợp duy nhất. Sau thời kỳ hoàng kim, các công ty công nghệ đang dần chững lại trong thời gian gần đây. Giá cổ phiếu công nghệ của các công ty mới niêm yết gần đây, được theo dõi bởi chỉ số IPO Renaissance, đã mất khoảng 60% giá trị kể từ tháng 10/2021.

Các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về những kỳ lân công nghệ hoặc các công ty khởi nghiệp được định giá cao ngất ngưởng, nhưng không thể tăng thêm vốn và do đó phải cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm nhân viên.

Công ty mẹ của Facebook, Meta Platforms Inc. thông báo sẽ cắt giảm các đợt tuyển dụng trong một nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí, theo một thông báo được đưa ra đầu tháng này. Twitter, công ty sắp về tay Elon Musk, cũng có quyết định tương tự.

Nhiều công ty công nghệ lớn đang làm ăn thua lỗ trong những quý gần đây. (Ảnh: TRT World).

Chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Big Tech

Một số công ty nổi tiếng đã thông báo về việc sa thải nhân viên trong những tuần gần đây. Các nhà đầu tư hiện tại đang “hồi hộp” trước những bước đi của doanh nghiệp. Marc Andreesen, một nhà đầu tư mạo hiểm đã cho Elon Musk vay 400 triệu USD để mua lại Twitter chia sẻ: “Những công ty tốt đang có số lượng nhân viên nhiều gấp hai lần bình thường. Tuy nhiên, những công ty lớn, nhưng thật sự tồi tệ, đang có số lượng nhân viên nhiều gấp 4 lần bình thường”.

Rất khó để nói về sự thay đổi này, cả về bản chất và giai điệu. Trong nhiều năm qua, các kỹ sư tài năng luôn được coi là một điểm đáng tự hào trong giới lãnh đạo công nghệ. Trong cuốn sách “How Google Works” được phát hành năm 2014, tác giả Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành của công ty, đã khoe về những nỗ lực của mình trong việc giữ chân các “diva”, lập luận rằng các CEO nên trì hoãn “những sáng tạo thông minh” ngay cả khi họ gặp khó khăn.

Facebook, nơi Andreessen từ lâu đã có chân trong hội đồng quản trị, giới thiệu chương trình Recharge của mình, trong đó người lao động được khuyến khích nghỉ thêm 30 ngày/5 năm. Trong thời gian xảy ra đại dịch, Twitter cũng đã cho nhân viên nghỉ thêm một số ngày, được gọi là “ngày nghỉ ngơi”, bên cạnh số ngày nghỉ theo quy định công ty.

Những đặc quyền như vậy hiện đang là chủ đề bị chế nhạo. Các nhân viên công nghệ từng được khuyến khích nỗ lực hết mình, được bảo vệ một cách thái quá, giờ đây bị các nhà đầu tư mạo hiểm chế giễu là “những kẻ ăn cắp vặt”.

Vài ngày sau khi thương vụ mua lại của Musk được công bố, David Sacks, một nhà đầu tư công nghệ và là bạn lâu năm của doanh nhân này, đã so sánh việc tiếp quản Twitter của Musk với sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Sacks cho rằng những thất bại của Twitter không phải do cựu CEO của họ, Jack Dorsey, mà là do chính các nhân viên của công ty này, những người được bảo vệ một cách thái quá.

“Có vẻ như các nhân viên của Twitter thực sự đang điều hành công ty. Twitter có 8.000 nhân viên và không ai biết tất cả họ đang làm gì”, David Sacks chia sẻ. Ông tin rằng Elon Musk có thể sa thải tới 6.000 người.

Những nhận xét như thế này có vẻ không hiệu quả hoặc không thực tế. Ông David Sacks cũng nói rằng những kế hoạch mà Musk thực sự đang đề xuất dường như khiêm tốn hơn nhiều so với những tưởng tượng mà bạn bè và những người ủng hộ ông đã nghĩ đến.

Hơn nữa, trong khi mức định giá cho các công ty công nghệ đang giảm, không có dấu hiệu rõ ràng về đòn bẩy dành cho người lao động. Thị trường lao động vẫn vô cùng thắt chặt, và với việc giá cổ phiếu giảm, các công ty lớn buộc phải thỏa hiệp với kế hoạch mở lại văn phòng, cho phép nhân viên làm việc tại nhà vô thời hạn, đồng thời chấp nhận tăng lương.

Chỉ ba tháng trước, với việc giá cổ phiếu lao dốc, gã khổng lồ Amazon đã tăng gấp đôi mức lương cơ bản cho nhân viên. Có thể chính những điều này đã đưa các công ty công nghệ của Thung lũng Silicon vào thế chế độ “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi phí bằng cách sa thải một số lao động.

 

Cách làm của Elon Musk có thể không được lòng nhiều người, song nó có thể đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, giống như những gì mà chuyên gia Jacob Carpenter của tạp chí Fortune từng nói: “Các công ty nếu không thay đổi, họ sẽ là những người thua cuộc”.

Quốc Anh