'Dám phá hủy cái cũ thì công nghệ mới sẽ về'
Thay đổi tư duy với cái mới, Chính phủ có dám phá bỏ cái cũ khi chuyển đổi sang nền kinh tế số là những điều mà Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 chiều 17/1.
Với bài phát biểu ngắn gọn trong 10 phút, Bộ trưởng nhấn mạnh nếu Chính phủ chấp nhận cái mới, thì không thể là người cuối cùng chấp nhận. Ông đề xuất cần có cách tiếp cận với cái mới, tránh việc “không quản được thì cấm”.
Không thể đi sau
Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ số và chuyển đổi số đã diễn ra từ hàng thập kỷ và nó thực sự được đẩy nhanh từ khi bắt đầu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó tạo ra một “điểm gẫy” của chuyển đổi số, chính là cơ hội cho Việt Nam.
Bộ trưởng cho rằng mọi doanh nghiệp, cá nhân đều phải sử dụng công nghệ số tốt hơn, giúp thay đổi về chất, giúp tăng trưởng cao hơn, tăng năng suất lao động, chi phí rẻ, tạo ra nhiều cơ hội cho nhiều người hơn; đồng thời, giảm khoảng cách nông thôn với thành thị, giải quyết các vấn đề tồn tại lâu dài của loài người như môi trường, giàu nghèo, tìm hiểu tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân và hoạt động chính sách.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Việt Hùng. |
Bộ trưởng nhận định ở Việt Nam, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số mới chỉ mang tính tự phát. Để phát triển nhanh cần có sự dẫn dắt của Chính phủ, cụ thể là cần có bộ chuyển đổi số thống nhất. Điều này là rất bức thiết khi Việt Nam đi chậm so với các nước trong khu vực.
Dự kiến, trong năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành đề án chuyển đổi số quốc gia, trong đó nói rõ ai phải làm gì, bắt đầu từ đâu, chứ không nói chung chung như hiện tại.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh người đóng vai trò qua trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi sang nền kinh tế số chính là doanh nghiêp. Do đó, Chính phủ phải coi trọng việc phát triển doanh nghiệp số, giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.
“Doanh nghiệp sẽ dùng công nghệ để giải quyết các bài toán của Việt Nam, từ đó đi ra toàn cầu. Công nghệ sinh ra để giải quyết vấn đề. Vấn đề sinh ra ở mỗi chúng ta, mà mọi người đều có thể khởi nghiệp bằng kinh tế số để giải quyết vấn đề”, ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lấy ví dụ việc nền tảng gọi xe công nghệ Uber thách thức taxi truyền thống, hay công nghệ fintech đang thách thức thanh toán qua ngân hàng.
Từ đó, ông cho rằng vấn đề ở đây là Chính phủ có dám chấp nhận cái mới hay không.
“Người ta nói rằng số hóa nền kinh tế là cuộc cách mạng về chính sách, chứ không phải là cách mạng về công nghệ. Dám chấp nhận các công nghệ mới, phá hủy cái cũ thì công nghệ mới, người tài sẽ về”, Bộ trưởng Hùng nói.
Ông cho rằng việc chấp nhận cái mới phải làm sớm, không thể đi sau người khác, chậm hơn người khác, vì như thế không có giá trị. Muốn chấp nhận cái mới cũng cần có cách tiếp cận khác. Nếu như trước kia ở một số nơi cái mới xuất hiện thì “quản được thì mở”, “quản được đến đâu mở đến đó”, “không quản được thì cấm”, thì hiện nay phải thay đổi.
“Cách tiếp cận mới hiện nay là sandbox. Nghĩa là cái gì không biết quản nên cho tự phát triển trong 1 không gian, 1 thời gian nhất định, để bộc lộ vấn đề, sau đó mới hình thành chính sách. Đây là một trong những chính sách phù hợp, đón nhận những sáng tạo mới”, ông nói.
Tương lai không nằm trên đường thẳng
Trước hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra 4 yếu tố mang tính nền tảng trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế số.
Thứ nhất, hạ tầng viễn thông hiện đại, băng thông rộng, bao phủ rộng khắp, ngang tầm thế giới. Việt Nam cũng phải áp dụng công nghệ viễn thông 5G cùng nhịp với thế giới, mỗi người dân cũng sở hữu điện thoại thông minh để việc chuyển đổi số lan tỏa đến từng người dân.
Thứ hai, chính sách của Chính phủ phải có tính cạnh tranh toàn cầu, để người Việt không phải ra nước ngoài để khởi nghiệp, thậm chí còn khuyến khích người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn.
Thứ ba, Bộ trưởng nhấn mạnh “hộ chi tiêu” lớn nhất là Chính phủ cần chi nhiều hơn cho sản phẩm công nghệ số, thông qua việc xây dựng Chính phủ điện tử, từ đó thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019. Ảnh: Việt Hùng. |
Thứ tư, ông nhấn mạnh đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Việc đào tạo phải “đi hai chân”, nghĩa là vừa đào tạo mới, lại vừa phải đào tạo lại. Các trường đại học, cao đẳng cần có những khóa đào tạo lại và nâng cao, kéo dài chỉ 6-12 tháng để cấp chứng chỉ. Khi đó có thể phổ cập kiến thức về kinh tế số công nghệ hiện đại.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng cần tiến hành theo 3 bước:
Đầu tiên, cần đẩy nhanh số hóa các ngành công nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử, áp dụng trong toàn xã hội. Từ đó giúp tăng năng suất và hiệu quả của nền kinh tế.
Bước hai, Chính phủ phải coi số hóa là một lợi thế cạnh tranh.
Bước ba, số hóa nền kinh tế một cách toàn diện và coi đó là một động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh khi Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, tương lai không nằm trên đường thẳng, không giống truyền thống, không diễn ra tuần tự. Do đó, đòi hỏi quan trọng hiện nay là tư duy đột phá và hành động.
Cơ hội của Việt Nam
Trong Báo cáo “Tương lai số của chúng ta” do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 10/2018, ước tính đến năm 2022, kinh tế số đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu, cùng với đó là khoảng cách giữa nền kinh tế số và nền kinh tế thực, giữa xã hội số và xã hội thực dần xóa nhòa.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, về cơ bản, kinh tế số, xã hội số sẽ tiếp tục là những câu chuyện lớn ít nhất trong cả thập kỷ tới, do đó đây là cơ hội của Việt Nam bởi trong lĩnh vực này bởi tất cả các quốc gia đều cùng một vạch xuất phát.
"Trong thời đại công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo thì những rào cản công nghệ truyền thống không còn là khoảng cách lớn nữa, cơ hội được chia đều và mọi quốc gia đều có thể vươn lên bứt phá", ông Bình nói.
Xem thêm |