Đại gia tỉ đô tới tấp lên sàn
Ngay những ngày đầu năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đón nhận hàng loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp (DN) lớn. Điều này đã đẩy tính thanh khoản lên cao, thể hiện đúng vai trò kênh dẫn vốn cho nền kinh tế của thị trường này.
Cổ phiếu đại gia “cháy hàng”
Mới đây nhất, FPT Telecom (mã chứng khoán FOX) đã chính thức lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 54.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi lên sàn, cổ phiếu FOX đã mau chóng tăng kịch trần lên 75.600 đồng với số lượng dư mua hàng trăm ngàn đơn vị. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của FPT Telecom lên tới 10.363 tỉ đồng, xấp xỉ 0,5 tỉ USD.
Trước đó hai “ông lớn” là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lên sàn. HVN có mức giá tham chiếu là 28.000 đồng với lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch là hơn 1,2 tỉ đồng. Ngay trong phiên đầu tiên giao dịch, giá HVN đã tăng kịch trần 39.200 đồng/cổ phiếu. Như vậy, vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines khoảng 46,8 ngàn tỉ đồng, tương đương gần 2,1 tỉ USD.
Không chỉ những cổ phiếu này mà nhiều cổ phiếu khác lên sàn trong thời gian gần đây đều có điểm chung là dư mua, “cháy hàng” ngay trong ngày chào bán.
Bình luận về hiện tượng trên, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận định: “Việc cổ phiếu của các đại gia tăng kịch trần cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của DN. Mặt khác, việc thị trường có thêm sản phẩm mới chất lượng khiến những cổ phiếu này luôn rơi vào tình trạng “cháy hàng”. Tuy nhiên, không loại trừ có cả yếu tố đầu cơ, tâm lý găm giữ hàng, tạo sự khan hiếm để đẩy giá cổ phiếu lên cao”.
Việc xuất hiện những doanh nghiệp vốn lớn có thể giúp nâng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán. Ảnh:HTD |
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho hay trong năm con gà, riêng sàn chứng khoán TP.HCM (Hose) sẽ có thêm rất nhiều DN mới niêm yết và một số DN chuyển từ sàn UpCom qua. Đơn cử như Habeco, PV Power, Petrolimex, VietJet Air, PV Oil... Trong đó, riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa cho biết sẽ hoàn thành niêm yết cổ phiếu PLX trên sàn giao dịch chứng khoán trong quý I-2017. Với mức giá khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay, Petrolimex có thể đạt vốn hóa khoảng 2,3 tỉ USD.
Việc có thêm hàng loạt “đại gia tỉ đô” lên sàn sẽ tạo ra nguồn hàng dồi dào, phong phú cho thị trường và giúp nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn. Đặc biệt, nó giúp thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Không dễ dàng
Chứng khoán được đánh giá là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2016 và dự báo cũng hấp dẫn trong năm nay. Tuy vậy, nhiều chuyên gia dự báo sẽ không dễ dàng cho các nhà đầu tư không chỉ do thị trường biến động mạnh mà còn xuất phát từ sự phân hóa mạnh mẽ của các cổ phiếu.
Ví dụ năm 2016, dù VN-Index tăng 15% nhưng HNX-Index hầu như đứng yên. Không ít nhà đầu tư bị thua lỗ do sự phân hóa này. Đó là chưa kể nhiều cổ phiếu tăng rất mạnh nhưng sau đó lại giảm thê thảm, nhất là các cổ phiếu thuộc nhóm blue-chips của ngành dầu khí, khoáng sản hay cổ phiếu có giá trị nhỏ. Một số nhà đầu tư không nhiều kinh nghiệm với sự biến động chóng mặt đã thua lỗ lớn.
“Trong năm 2017, tình trạng này được dự báo có thể xảy ra nhiều hơn do thông tin tác động trong và ngoài nước mang tính đa dạng hơn. Chẳng hạn đồng đôla có xu hướng mạnh lên và hành động khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump; xu hướng rút tiền ra khỏi các thị trường mới nổi và đổ về Mỹ, giá trị đồng nội tệ của các quốc gia suy yếu... Chính vì lẽ đó, năm nay sẽ không dễ dàng cho nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng. Nếu các nhà đầu tư, DN không thích ứng được với sự thay đổi thì sự đào thải sẽ diễn ra mạnh mẽ” - ông Khánh phân tích.
Thêm vào đó, khi lượng cung cổ phiếu dồi dào sẽ giúp cải thiện cả về lượng và chất cho thị trường chứng khoán. Song tốc độ tăng giá rất nhanh của một số cổ phiếu lớn, 5-20 lần so với mệnh giá là một yếu tố tiềm ẩn rủi ro. Do vậy, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, chuyên gia chứng khoán, khuyến cáo các nhà đầu tư cần phải chú ý đến tình hình hoạt động kinh doanh, lợi nhuận, doanh thu, tài chính, tính minh bạch… của các công ty để lựa chọn cổ phiếu đầu tư.
Tăng nguồn vốn Thị trường chứng khoán được xem là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất tốt nên khi niêm yết cổ phiếu sẽ giúp DN huy động vốn, thu hút đầu tư dễ dàng hơn. Đặc biệt, huy động vốn theo cách này, DN không phải chịu áp lực từ việc thanh toán lãi vay cũng như phải trả vốn gốc giống như việc vay nợ tại ngân hàng. Nhờ đó DN sẽ chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn vốn cho chiến lược kinh doanh dài hạn của mình. Tuy nhiên, áp lực lên ban lãnh đạo cũng rất lớn. Bởi để cổ phiếu niêm yết có tính thanh khoản cao, DN cần phải minh bạch thông tin về hoạt động kinh doanh, quản trị DN, kiểm soát rủi ro, tuân thủ pháp luật… Làm tốt những điều này không chỉ tăng thêm niềm tin cho các nhà đầu tư mà còn giúp DN có thêm nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh so với thời điểm chưa lên sàn. Quy mô vẫn còn nhỏ Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 đạt mức 1.765.000 tỉ đồng, tương đương 42% GDP. Thanh khoản thị trường được cải thiện mạnh với giá trị giao dịch bình quân đạt 6.860 tỉ đồng/phiên, tăng 39% so với cuối năm 2015. Việc hàng loạt cổ phiếu dồn dập lên sàn trong thời gian qua tạo ra sự đa dạng cho thị trường. Nó cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc thoái vốn ở các DN đã đạt được những thành công bước đầu. Tuy vậy, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, chuyên gia chứng khoán, cho rằng năm 2016 giá trị các DN niêm yết tăng tốt nhất trong vòng 3-4 năm trở lại đây. Nhưng quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể so được với các nước khác trong khu vực. Chẳng hạn, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Philippines đạt khoảng 55% - 60% GDP. |