Đại gia muốn cùng công ty Trung Quốc làm sân bay Long Thành là ai?
Mới đây, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn Geleximco) đã có kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành trong 3-5 năm theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Geleximco, cho biết đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng và Bộ GTVT từ năm 2016. Đến ngày 31/5 vừa qua, doanh nghiệp này một lần nữa gửi lại kiến nghị.
"Tôi được biết hiện tại bản kiến nghị đã được Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét. Sân bay Long Thành là dự án rất nhiều nhà đầu tư muốn thực hiện. Chúng tôi đang chờ thông tin từ Bộ GTVT", ông Tiền cho biết.
Phương án hoa sen cách điệu được lựa chọn để thiết kế sân bay Long Thành. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho biết đã nhận được đề xuất của Tập đoàn Geleximco, nhưng đây mới chỉ là đề xuất từ phía doanh nghiệp.
24 năm, vốn điều lệ tăng 2.400 lần
Geleximco được thành lập năm từ năm 1993, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực trong đó chủ yếu là nhập khẩu, thương mại và bất động sản...
Ban đầu thành lập, công ty chỉ có vốn 2,5 tỷ đồng. Đến nay, tập đoàn này đã tăng vốn điều lệ lên hơn 2.400 lần đạt 6.000 tỷ đồng với hơn 30 công ty con và công ty liên doanh liên kết khắp cả nước. Doanh thu mỗi năm đạt hàng nghìn tỷ đồng.
Geleximco hiện là cổ đông chiến lược của rất nhiều doanh nghiệp lớn như sở hữu 13% vốn tại Ngân hàng An Bình (ABBank), 42,5% vốn Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS); 83% vốn tại Ngôi Sao An Bình (vốn điều lệ 550 tỷ đồng).
Cá nhân ông Vũ Văn Tiền hiện sở hữu 4,76% vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội – Hanic (vốn cổ phần 1.175 tỷ đồng); Viện Quản lý Toàn cầu Việt Nam, CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC…
Ông chủ của Geleximco là ông Vũ Văn Tiền còn được biết đến với cái tên Tiền “còi”, người được cho là tỷ phú USD giấu mặt của Việt Nam khi sở hữu hàng loạt công ty với với vốn điều lệ nhiều nghìn tỷ cùng khối tài sản bất động sản khổng lồ.
Ngoài là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Geleximco, ông còn là Chủ tịch tại nhiều doanh nghiệp lớn khác như ABBank, ABS; CTCP Xi măng Thăng Long; CTCP An Hòa; Công ty Ngôi sao An Bình.
Trong danh mục đầu tư, ông Tiền cùng Geleximco tham gia đầu tư tại nhiều doanh nghiệp và dự án có tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
"Trùm" bất động sản, hạ tầng giao thông
Trong lĩnh vực bất động sản, Geleximco sở hữu hàng loạt dự án tầm cỡ như trung tâm thương mại Cần Thơ; 2 khách sạn 4-5 sao Thái Bình Dream và Hạ Long Dream; khu đô thị Cái Dăm 37 ha (Quảng Ninh); khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn 135 ha (Hà Nội).
Công ty này cũng đầu tư nhiều khu đô thị sinh thái tại các tỉnh thành như Đồng Trúc - Ngọc Liệp 250 ha tại Quốc Oai (Hà Nội); Hà Phong (Vĩnh Phúc); Phú Mãn 461 ha (vốn đầu tư 6.500 tỷ); đầu tư kết cấu hạ tầng dự án Dầu khí – Geleximco Hoài Đức 192 ha.
Geleximco còn hợp tác cùng Công ty Vigeba và Tập đoàn Bảo Việt xây dựng dự án Thành phố giao lưu tại 234 Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Đặc biệt, Geleximco sở hữu 30% vốn tại Vigeba.
Cuối năm 2014, ông Tiền đã thâu tóm thành công 35% vốn cổ phần tại Seaprodex, trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Nhà nước (sở hữu 63%). Seaprodex là doanh nghiệp sở hữu hơn 10 lô đất giá trị với tổng diện tích hàng chục nghìn mét vuông nổi bật là lô đất số 2-4-6 Đồng Khởi và 21 Ngô Đức Kế cùng tại quận 1, TP.HCM. Tuy nhiên, do bất đồng về phương án triển khai nên Geleximco đã thoái vốn khỏi Seaprodex cuối năm 2016.
Geleximco cũng từng tham gia đầu tư vào một số dự án hạ tầng giao thông lớn như Dự án đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình dài 33km theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Tuy nhiên, năm 2013 Geleximco bất ngờ rút lui khỏi dự án với lý do quỹ đất 900 ha và 1 sân golf mà tỉnh Hòa Bình và Hà Nội đối ứng cho tập đoàn không đủ hoàn vốn đầu tư vào tuyến đường.
Năm 2016, đại gia Vũ Văn Tiền cũng từng đưa ra đề xuất với Bộ GTVT muốn bắt tay cùng Công ty Hong Kong United Investors Holding xây dựng 4 dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1,11 triệu tỷ đồng, tương đương gần 1/4 GDP Việt Nam.
4 công trình này bao gồm dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa -Hà Tĩnh và TP.HCM đến Khánh Hòa; Đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Đường sắt cao tốc Bắc Nam và Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dự án sân bay Long Thành nên cân nhắc việc lựa chọn nhà đầu tư Trung Quốc? Dự án sân bay Long Thành có một số hạng mục nhà nước có thể đầu tư, nhưng một số hạng mục khác phải kêu ... |
Doanh nghiệp Anh quan tâm tới dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất Thông tin trên cho hay tại buổi làm việc của Thứ trưởng Lê Đình Thọ với Đại sứ Vương quốc Anh Giles Lever về hợp ... |
Nhà đầu tư Trung Quốc xin xây sân bay Long Thành, Bộ GTVT chưa biết Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết chưa nhận được bất cứ đề xuất nào của Geleximco và đối tác Trung Quốc về việc xây ... |