|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đại gia hút cát Việt Xuân Mới và trung gian vụ GTNfoods thâu tóm VLC

08:24 | 26/09/2018
Chia sẻ
Việt Xuân Mới là đối tác chiến lược được chỉ định nhận chuyển nhượng 40% vốn điều lệ tại VLC của Bộ NN&PTNT. Thế nhưng, chỉ 6 ngày sau đó, Việt Xuân Mới lại bán đi 20% vốn của VLC cho 1 cá nhân.
dai gia hut cat viet xuan moi va trung gian vu gtnfoods thau tom vlc Sau cổ phần hóa, Cảng Quy Nhơn ủy thác đầu tư 100 tỷ đồng vào đại gia hút cát Việt Xuân Mới
dai gia hut cat viet xuan moi va trung gian vu gtnfoods thau tom vlc GTN đang 'sống' bằng sữa Mộc Châu

Năm 2015, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) có quyết định thoái toàn bộ 77,59% vốn tại Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, mã CK: VLC).

Theo Quyết định 4184 ngày 22/10/2015 do Thứ trưởng Hà Công Tuấn ký, thì Bộ NN&PTNT chấp thuận bán 40% vốn điều lệ (25.240.400 CP, chiếm 51,55% phần vốn nhà nước) cho Công ty cổ phần Việt Xuân Mới (Công ty Việt Xuân Mới) - một doanh nghiệp được biết đến với nhiều dự án khai thác cát Sông Hồng.

dai gia hut cat viet xuan moi va trung gian vu gtnfoods thau tom vlc
Việt Xuân Mới là trung gian giúp GTNfoods thâu tóm Vilico một cách dễ dàng

Cuối tháng 4/2016, phần bán ra công chúng đã được đấu giá thành công cho 118 nhà đầu tư với giá đấu bình quân 16.636 đồng/cp. Sau đó hai tháng, việc chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông chiến lược Việt Xuân Mới bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên, dù mang tên là cổ đông chiến lược nhưng Việt Xuân Mới ngay sau đó đã chuyển nhượng cổ phần của Vilico, dù mới sở hữu vỏn vẹn 6 ngày.

Cụ thể, theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), Bộ NN&PTNT đã chuyển nhượng hơn 15 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn của Vilico cho Việt Xuân Mới vào ngày 16/6/2016.

Nhưng chỉ sau 6 ngày nhận chuyển nhượng đợt đầu tiên (22/06), cổ đông chiến lược Việt Xuân Mới đã thực hiện bán đi 20% vốn (tương đương 12.620.200 CP) của Vilico cho 1 cá nhân.

Thông tin từ Vilico cho thấy, người nhận chuyển nhượng của Việt Xuân Mới là bà Phạm Thị Hoa. Trước giao dịch bà Hoa không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Vilico. Như vậy, thay vì kế hoạch 40% như phương án cổ phần hóa, giờ Việt Xuân Mới chỉ còn sở hữu 20% vốn cổ phần của Vilico.

Đến 28/06/2016, Bộ NN&PTNT tiếp tục chuyển nhượng 10 triệu CP còn lại tương đương 16% vốn cho Việt Xuân Mới. Lúc này, đại gia hút cát Sông Hồng nắm 20% vốn VLC.

Trong 8 ngày (từ ngày 8-16/11/2016) Việt Xuân Mới tiếp tục 3 lần bán CP tại VLC giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 2,65%.

Sau đó không lâu, cá nhân Phạm Thị Hoa cũng bán toàn bộ 12.620.200 CP VLC. Lúc này, xuất hiện cái tên GTNfoods mua 36.182.488 CP Vilico nâng tỷ lệ sở lên 65%. Trong năm 2017, GTNfoods tiếp tục thu mua CP VLC, tính đến 31/12/2017 đã sở hữu 73,72% vốn Vilico.

Vilico là công ty mẹ của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu - đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu với tỷ lệ sở hữu 51%.

Theo tài liệu công bố tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 của Vilico, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu có vốn điều lệ gần 290 tỷ đồng với sở hữu của Vilico là 51%. Về kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2015 của Công ty đạt gần 2.229 tỷ đồng, lãi ròng đạt hơn 190 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014. ROE của đơn vị này trong năm 2015 đạt gần 66%.

Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu cũng là tài sản lớn nhất của Vilico. Chính vì vậy, Công ty cổ phần GTNfoods đã có ý định thâu tóm Vilico từ trước đó.

Cụ thể, tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 của GTNfoods vào cuối tháng 4/2016, Ban lãnh đạo công ty này cho biết, GTN dự kiến sẽ mua lại doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm. Ông Nguyễn Chí Thiện – Chủ tịch HĐQT GTNfoods chia sẻ, Công ty sẽ hoàn thành M&A một doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề liên quan đến sữa trong năm 2016 và dự kiến sẽ M&A 2 DNNN trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm với doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng.

Ẩn số của thương vụ này đã lộ diện luôn khi tờ trình về việc cho phép GTNfoods nâng sở hữu lên tối đa 65% mà không cần chào mua công khai đã được các cổ đông của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam – Vilico thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.

Tuy nhiên, mặc dù được thông qua nhưng việc thâu tóm Sữa Mộc Châu của GTNfoods cũng không thực sự suôn sẻ. Trong khi các báo cáo về hoạt động của HĐQT, BKS; thù lao và phương án phân phối lợi nhuận tại Đại hội nhận được sự đồng thuận khá cao từ các cổ đông, thì 3 tờ trình còn lại là sửa đổi Điều lệ, quyết định việc GTNfoods được phép nâng sở hữu lên tối đa 65% mà không cần chào mua công khai và phương án phát hành cổ phần mới nhận được khá nhiều ý kiến thắc mắc.

Các cổ đông cho rằng, việc để GTNfoods nâng sở hữu từ 7,35% lên tối đa 65% mà không cần chào mua công khai sẽ ảnh hưởng đến các cổ đông khác, đề nghị việc này cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Một ý kiến từ đại diện của một công ty quản lý quỹ còn đề nghị chưa đưa vào Nghị quyết vấn đề để GTNfoods sở hữu tối đa 65% vốn của Vilico. Riêng với phương án phát hành tăng vốn điều lệ, hầu hết các ý kiến đều cho rằng nội dung tăng vốn điều lệ chưa rõ ràng, phương án quá sơ sài.

Từ đó có thể thấy, GTNfoods đã tham vọng thâu tóm Vilico từ trước, và việc Công ty Việt Xuân Mới mua lại 40% cổ phần từ Bộ NN&PTNT chỉ là khâu trung gian giúp GTNfoods thâu tóm VLC một cách dễ dàng.

Xem thêm

Thuỷ Tiên