|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đại gia Hà Tĩnh Hoành Sơn đưa công ty chưa có doanh thu hoạt động lên sàn sau thương vụ thâu tóm Cao su Sao Vàng

07:21 | 14/07/2021
Chia sẻ
Ngày 14/7, cổ phiếu PAP của CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (Mã: PAP) sẽ chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.000 đồng/cp, số lượng đăng ký giao dịch là 150 triệu cổ phiếu.

Cơ cấu cổ đông Khai thác Cảng Phước An

CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An được Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận lần đầu ngày 14/5/2008. Đơn vị được thành lập theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tỉnh Đồng Nai với mục đích đầu tư khai thác cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng. 

Vốn điều lệ đăng ký ban đầu của doanh nghiệp là 500 tỷ đồng. Đến ngày 3/10/2010, số vốn thực góp đạt 440 tỷ đồng. Tính đến 19/3/2021, PAP đã trải qua 3 đợt tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng để tài trợ cho dự án đầu tư xây dựng Cảng Phước An cùng khu Dịch vụ hậu cần cảng. 

Theo thông tin trong bản cáo bạch, PAP có hai cổ đông lớn là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn nắm giữ 66 triệu cp (tương ứng 44%) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 35 triệu cp (23,33%). Số lượng 49 triệu cổ phiếu còn lại (tức 32,67%) được nắm giữ bởi 157 cổ đông cá nhân nhỏ lẻ khác.

Dự án Cảng Phước An và khu Dịch vụ Hậu cần đang trong giai đoạn đầu tư

Hoạt động khai thác Cảng Phước An của PAP chia làm hai mảng là xây dựng khu Cảng Phước An và khu Dịch vụ hậu cần Cảng (logistic). Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần 1 ngày 14/11/2017, tổng vốn đầu tư hai dự án nêu trên là hơn 17.571 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 2.635 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. 

Giai đoạn đầu tư chia làm 3 phân kỳ, từ năm 2017 đến năm 2024. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ tháng 8/2009 đến tháng 8/2059.

Sau thương vụ thâu tóm SRC, công ty con của Hoành Sơn Group sắp niêm yết trên sàn UPCoM - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ Cáo bạch Thông tin.

Theo thông tin công bố cập nhật đến ngày 12/7 trên website của PAP, tổng mức đầu tư dự kiến đã tăng lên 19.428 tỷ đồng. Thời gian triển khai được điều chỉnh thành 5 phân kỳ. 

Tính đến nay, PAP đã hoàn thành việc khảo sát địa chất, lập bản đồ địa hình, lập dự án đầu tư, quy hoạch, đánh giá tác động môi trường và nhận 252 ha đất của dự án. Hiện doanh nghiệp đã thực hiện giãn tiến độ Phân kỳ 1 so với kế hoạch ban đầu. PAP đang xây dựng nốt các công trình của giai đoạn 1, đồng thời tiếp tục nhận bàn giao phần đất trong quy hoạch dự án.

PAP - Ảnh 2.

Cảng Phước An. (Nguồn: PAP).

PAP - Ảnh 3.

Khu Dịch vụ hậu cần. (Nguồn: PAP).

Nguồn thu chính đến từ doanh thu tài chính

Thông tin về kết quả kinh doanh, năm 2019 - 2020, PAP lãi lần lượt 17,9 tỷ đồng và 13,9 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính. Công ty không ghi nhận doanh thu hoạt động trong cả hai năm do dự án vẫn trong giai đoạn đầu tư. 

Tuy niên, tính đến hết quý I/2021, PAP không còn ghi nhận khoản lãi tiền gửi khiến cho doanh nghiệp lỗ 605 triệu đồng, giảm mạnh so với mức lãi 4,48 tỷ cùng kỳ năm trước. 

Đến hết 31/3/2021, tổng tài sản của PAP tăng gần 20,5% so với cuối năm 2020 do chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh 255,9 tỷ đồng lên mức 1.473,3 tỷ đồng (tương ứng mức tăng 21%). 

Nguyên nhân do PAP đã chi 250 tỷ đồng cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất để thực hiện đền bù và giải phóng mặt bằng. Đồng thời, PAP cũng thực hiện vốn hóa khoản chi phí lãi vay của khoản vay ngắn hạn tài trợ cho việc xây dựng Dự án Cảng Phước An với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. 

Chân dung cổ đông chiến lược Hoành Sơn và những dự án còn dang dở

Trở lại thông tin về cổ đông và ban lãnh đạo công ty, ông Phạm Hoành Sơn đang năm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT tại PAP. Theo tìm hiểu, vị đại gia Hà Tĩnh này sở hữu vốn góp tại nhiều đơn vị như CTCP Tập đoàn Hoành Sơn (Hoành Sơn Group), CTCP Đầu tư Phát triển Hoành Sơn, CTCP Bia Hà Nội Nghệ Tĩnh, CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn...

Được biết, tại Hoành Sơn Group, ông Sơn nắm giữ 95% trên tổng vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Hoành Sơn Group là chủ đầu tư của nhiều dự án với số vốn đầu tư lớn nhưng lại "lỡ hẹn" trong quá trình triển khai.

Trên thị trường chứng khoán, Hoành Sơn được biết đến với thương vụ thâu tóm CTCP Cao su Sao Vàng (mã: SRC) khi Vinachem thoái vốn. Đến tháng 12/2019, HĐQT mới đã bổ nhiệm ông Phạm Hoành Sơn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT SRC giai đoạn 2016 - 2021.

Động thái sau đó, Hoành Sơn hợp tác cùng CTCP Cao su Sao Vàng (mã: SRC) thành lập Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn vào năm 2016 để đầu tư xây dựng dự án bất động sản cao cấp trên diện tích 6,3 ha của khu đất vàng 231 Nguyễn Trãi.

Sau thương vụ thâu tóm SRC, công ty con của Hoành Sơn Group sắp niêm yết trên sàn UPCoM - Ảnh 4.

“Đất vàng” của SRC tại địa chỉ 231 Nguyễn Trãi (Hà Nội). (Nguồn: Baodauthau).

Trở lại dự án 231 Nguyễn Trãi, Hoành Sơn cam kết hỗ trợ 435 tỷ đồng để SRC di dời nhà máy về khu công nghiệp Châu Sơn, Phủ Lý, Hà Nam. Tuy vậy, đến năm 2020, Hoành Sơn mới chỉ "giải ngân" được cho SRC 143,5 tỷ đồng, tương ứng 33% tổng kế hoạch.

Một dự án khác là Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn với tổng mức vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương từ tháng 5/2015. Cảng có công suất khai thác 2,3 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 40.000 tấn, được xây dựng trên diện tích 16 ha thuộc khu kinh tế Vũng Áng. 

Sau thương vụ thâu tóm SRC, công ty con của Hoành Sơn Group sắp niêm yết trên sàn UPCoM - Ảnh 5.

Cầu cảng khởi công hơn 5 năm nhưng chưa hoàn thành. (Nguồn: CafeLand).

Theo kế hoạch, dự án sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 6/2017. Tuy nhiên tính đến nay, dự án vẫn đang "đắp chiếu" sau nhiều lần giãn tiến độ.

Chung số phận, dự án xây dựng nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh với tổng vốn đầu tư 1.120 tỷ đồng dự kiến đưa vào vận hành từ tháng 3/2020 nhưng cũng chưa đạt tiến độ. Dự kiến, nhà máy có công suất 50 triệu lít/năm, được xây dựng trên diện tích 30 ha, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động. 

Ghi nhận đến cuối năm 2020, dự án vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và mới chỉ khởi công xây dựng một phần, chưa rõ thời gian đi vào hoạt động.

Thảo Bùi