|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đại gia dầu mỏ Nga chưa thoát hiểm thành công

15:03 | 26/05/2022
Chia sẻ
Bất chấp lời khẳng định của Moscow, sản lượng dầu thô của Nga đã giảm mạnh kể từ khi nước này tấn công Ukraine, với ông lớn Rosneft chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Nga chưa hết lao đao

Phát biểu trước truyền thông, đại gia năng lượng Nga tuyên bố họ đã bắt đầu khôi phục sản lượng bị hao hụt trong hai tháng qua và đang tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm dầu khí, cắt đứt mối liên hệ với châu Âu.

Nga khẳng định nước này đã tăng sản lượng dầu thô trong tháng 5 thêm 200.000 - 300.000 thùng/ngày sau khi ghi nhận mức sụt giảm lớn trong tháng trước đó. Đồng thời, Moscow còn bác bỏ mọi ý kiến cho rằng có một cuộc khủng hoảng đang hình thành trong ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này.

Thông qua hãng thông tấn TASS, Phó Thủ tướng Alexander Novak từng lên tiếng trấn an: “Chúng tôi thường xuyên liên lạc với các công ty dầu khí trong nước và chưa nhận thấy bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào…”

“Quả thực, chúng tôi đã vấp phải một cú sốc nhất định, nhưng qua đó Nga lại tìm thấy điểm cân bằng cũng như cơ hội xuất khẩu mới. Chúng tôi có thể chuyển hướng nguồn cung năng lượng sang các thị trường mới, xây dựng chuỗi cung ứng mới”, ông Novak nói thêm.

Bể chứa dầu ở Novokuibyshevsk, Nga. (Ảnh: Getty Images).

Tuy nhiên, giới phân tích, bao gồm Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự báo rằng sản lượng dầu thô của Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay và dự kiến sẽ tiếp tục lao dốc trong nhiều năm tới khi châu Âu chính thức áp lệnh cấm nhập khẩu.

Hiện giờ, các nhà sản xuất tại xứ sở Bạch Dương đã phải vật lộn để bán hết lượng dầu thô trên thị trường, đặc biệt là tại châu Âu; trong khi sản lượng của các nhà máy lọc dầu cũng đi xuống do nhu cầu thấp hơn.

Theo lời các chuyên gia, một số giếng dầu của Nga đã phải ngừng hoạt động kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2. Các cơ sở này có thể sẽ không bao giờ sản xuất trở lại, xóa sổ vĩnh viễn một phần công suất dự phòng của Nga.

Tại thời điểm giữa tháng 5, sản lượng dầu thô của Nga thấp hơn 830.000 thùng/ngày so với hồi tháng 2. Trong tháng 4, sản lượng mất gần 9% xuống trung bình chỉ 9,08 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1 triệu thùng so với hạn ngạch mà OPEC+ giao cho Nga.

 

Rosneft gánh thiệt hại nặng nề

Rosneft - nhà sản xuất dầu thô lớn nhất của Nga, cũng là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất, theo phân tích do Bloomberg thực hiện từ dữ liệu của Bộ Năng lượng Nga và các nguồn thạo tin khác.

Tập đoàn năng lượng Nga, do đồng minh lâu năm của Tổng thống Putin là ông Igor Sechin dẫn dắt, đang phải gánh cùng lúc ba quả tạ: xuất khẩu dầu thô giảm tốc, công suất lọc dầu sụt giảm và các công ty dầu mỏ phương Tây tháo chạy khỏi những dự án hợp tác cùng Rosneft.

Ngoài ra, tỷ lệ các giếng không hoạt động của Rosneft đã tăng từ 17% vào đầu năm nay lên 30% vào tháng 4. Các giếng không hoạt động của chi nhánh Bashneft chiếm 55% tổng số giếng dầu của đơn vị này, theo Bloomberg.

Hơn nữa, công suất lọc dầu của gã khổng lồ ngành năng lượng Rosneft cũng đi xuống, ước tính giảm khoảng 28% vào đầu tháng 5 so với thời điểm trước khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra.

Bà Daria Melnik, nhà phân tích cấp cao của Rystad Energy, bình luận: “Nguyên nhân chính khiến các công ty dầu mỏ Nga điêu đứng là vì khó xuất khẩu dầu thô ra nước ngoài cũng như không thể tăng công suất chế biến trong nước”.

Tương lai bất định

Cho đến nay, mặc dù sản lượng sụt giảm, xuất khẩu dầu thô của Nga nhìn chung vẫn tạm ổn định nhờ giá “vàng đen” tăng cao, trong bối cảnh thị trường lo ngại về nguy cơ đứt gãy nguồn cung, oilprice.com lưu ý.

Trên thực tế, Nga đang tăng cường xuất khẩu dầu thô sang Ấn Độ và Trung Quốc. Song, các nhà phân tích nghi ngờ liệu thị trường châu Á có thể hấp thụ hết 4 triệu thùng dầu/ngày mà Nga bán sang châu Âu trước chiến sự hay không.

“Việc chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á sẽ cần thời gian và các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng. Trong trung hạn, chúng ta sẽ chứng kiến sản lượng lẫn doanh thu của Nga giảm mạnh”, bà Melnik của Rystad Energy dự đoán.

Rystad Energy còn cho biết, hoạt động sản xuất dầu thô của Nga chỉ có thể bắt đầu phục hồi vào giữa năm 2023 nếu nền kinh tế này vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây và tạo thêm nhu cầu dầu mỏ trong nước.

“Tuy nhiên, nhiều giếng dầu đã đóng cửa có thể không bao giờ hoạt động lại, đồng nghĩa rằng một phần công suất dự phòng của Nga sẽ bị phá hủy”, hãng tư vấn năng lượng cảnh báo thêm.

Khả Nhân