Đại diện Masan chia sẻ về động lực tăng trưởng doanh số từ tháng 9
Tại Toạ đàm cấp cao Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 tổ chức ngày 18/9, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Masan đã có những chia sẻ về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Tài Chính.
Trong thời gian qua, trước ảnh hưởng của các biến động địa chính trị thế giới như chiến sự ở Ukraine hay gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19, Bộ Tài Chính đã đưa ra nhiều giải pháp giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể giảm phần nào tác động tiêu cực cũng như phục hồi nhanh chóng. Do đó, doanh nghiệp rất mong muốn biết được những định hướng chính sách của Bộ Tài Chính nhằm có thời gian và dư địa chuẩn bị cho tương lai.
Trước những câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp về các định hướng chính sách của Bộ Tài Chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tác động của đại dịch cũng như xung đột Nga-Ukraine khiến nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Từ đứt gãy chuỗi cung ứng tới bất ổn thị trường lao động cũng như việc tăng giá nguyên liệu đầu vào đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ổn định sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ sử dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, các chính sách miễn giảm, hoãn thuế đã có tác động trực tiếp đối với tình hình kinh tế, đời sống người dân.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, quy mô tác động của chính sách này vào năm 2020 là 129.000 tỷ đồng và năm 2021 là 145.000 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2022, các chính sách miễn giảm thuế và lệ phí đã đạt quy mô 35.000 tỷ đồng.
Nhiều chính sách tài khóa, như gói chính sách tài chính hỗ trợ người lao động thuê nhà là 6.600 tỷ đồng, gói hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn được triển khai đem lại hiệu ứng tích cực.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết sách đưa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn và nguồn ngân sách hỗ trợ chính sách này đã đạt 13.000 tỷ đồng trong 8 đầu năm, theo ông Nguyễn Đức Chi. Và thời lực thực hiện chính sách này còn được tiếp tục đến 31/12.
Bên cạnh đó, ông Chi cho biết Bộ Tài Chính đã báo cáo Chính Phủ xin giảm thuế ưu đãi nhập khẩu đối với xăng dầu từ 20 xuống 10%. Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết chính sách này giúp chúng ta có điều kiện mở rộng nguồn cung và sẵn sàng đối phó với biến động của thị trường thế giới, đảm bảo nguồn cung cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Chi cũng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong Kỳ họp sắp tới, để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Bộ Tài chính đã sẵn sàng nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động trong các giải pháp tài khóa, để có các phương án, kịch bản đa dạng ứng phó với tất cả các tình huống, đúng như phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu.
Trước những chia sẻ của Thứ Trưởng Nguyễn Đức Chi, phía cộng đồng doanh nghiệp với đại diện là Tập đoàn Masan đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài Chính trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Phương,Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty WinCommerce (Tập đoàn Masan), cho biết dư địa phát triển thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam là rất lớn. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang chiếm 175 tỷ USD và dự báo đến năm 2025, quy mô đạt 350 tỷ USD, đóng góp 60% GDP.
Trong đó, ngành hàng bán lẻ thực phẩm thiết yếu đạt quy mô thị trường 75 tỷ USD. Tuy nhiên, đóng góp của bán lẻ hiện đại chỉ đạt 15%, trong khi các nước lân cận ở khu vực đạt 25%-80%.
Trong suốt hai năm qua, ngành bán lẻ đã phải trải qua nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Chưa kể, sự kiện xung đột Nga-Ukraine gần đây cùng những biến động trong khu vực đã đẩy giá cả hàng hóa của nhiều mặt hàng lên cao, có mặt hàng tăng giá tới 50% so với trước đó.
"Đứng trước những khó khăn như vậy, có nhiều chính sách của Quốc hội đưa ra đã giúp doanh nghiệp kiềm chế đà tăng giá, ví dụ như giảm giá xăng dầu hay thuế VAT... Đó là những cái động lực giúp doanh nghiệp chúng tôi có tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoài. Từ tháng 9 này, chúng tôi đã có tăng trưởng nhẹ về mặt doanh số, sản xuất gia tăng giúp tạo ra lượng lớn công ăn việc làm cho đội ngũ lao động", đại diện Masan chia sẻ.
Đại diện này cũng bày tỏ mong muốn đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình khó khăn sắp tới.