Đại biểu Trịnh Xuân An: Cần làm rõ giá phân bón tăng thời gian qua có phải do tăng thuế không?
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu trong phiên thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chiều 24/6 là việc các mặt hàng phục vụ sản xuất như phân bón và vật tư nông nghiệp nên chịu mức thuế bao nhiêu thì phù hợp?
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai cho rằng cần có đánh giá kỹ lưỡng, cần thiết xây dựng các tiêu chí để xác định mặt hàng nào không chịu thuế. "Đây là dự án Luật thuế liên quan đến 25% thu ngân sách, liên quan đến mọi đối tượng, do đó cần có một sắc thuế trung lập, khách quan để xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh", đại biểu nói.
Với mặt hàng phân bón, hầu hết các đại biểu đều thống nhất nên đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) bởi nếu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như quy định hiện nay, doanh nghiệp không được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Điều này vô hình chung lại gây khó khăn cho doanh nghiệp khiến giá thành tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho cạnh tranh với phân bón nhập khẩu; khó khăn về nguồn vốn liên doanh nghiệp không đủ chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, các đại biểu chia thành hai luồng quan điểm, một cho rằng nên áp mức thuế 0% như vậy doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào và cũng không chịu thuế VAT đầu ra nên người nông dân sẽ được hưởng lợi.
Luồng quan điểm thứ hai ủng hộ việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón bởi so với thuế VAT đầu vào 7 - 10% doanh nghiệp đã được hưởng lợi 2 - 3% nếu áp dụng mức này.
Áp thuế VAT 0%, người nông dân được hưởng lợi 6.000 tỷ đồng
Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề xuất không tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, nhưng bổ sung doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vào khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật là đối tượng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Điều này đồng nghĩa với việc phân bón chịu thuế VAT 0%.
Tuy nhiên, để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, Luật cần phải phân loại “mặt hàng phân bón” ra thành hai nhóm hàng hoá: "Phân bón hoá học" và "phân bón hữu cơ". Trong đó, đặc biệt ưu tiên miễn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón hữu cơ như nhiều quốc gia đang làm.
"Định hướng này giúp người nông dân chuyển dần thói quen sử dụng phân bón hoá học sang sử dụng phân bón hữu cơ; đồng thời chuyển dần nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch", đại biểu Tuấn cho biết.
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%.
"Nếu Luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng. Còn nếu dự thảo Luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2.000 tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách Nhà nước thì nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cũng phản đối đề xuất các mặt hàng vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế suất sang đối tượng chịu thuế suất 5%.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, hiện nay, các mặt hàng nói trên không phải đối tượng chịu thuế giá trị tăng nên các doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của các loại sản phẩm trên.
Đại biểu cho rằng, nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp và sản phẩm cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với các nhà sản xuất và hàng ngoại nhập. Đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh, không nên chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng, tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thuế giá trị tăng, nếu chuyển nên đưa vào đối tượng chịu thuế suất 0%.
Cần làm rõ giá phân bón tăng có phải do thuế không?
Trước những ý kiến trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng việc Chính phủ đề xuất mức thuế 5% đối với mặt hàng phân bón và các mặt hàng nông nghiệp là có cơ sở.
"Chúng ta cần đánh giá nhiều chiều và phân tích thấu đáo", đại biểu cho biết và đề nghị làm rõ giá phân bón tăng thời gian qua có phải do tăng thuế không?
Đại biểu cho rằng giá phân bón tăng không phải do tăng thuế, mà do chi phí đầu vào, do vật tư… Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp theo đại biểu cần nhiều phương án, chính sách khác nhau. Cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này chứ không nên khấu trừ chi phí đầu vào hoặc đưa về mức thuế suất 0%, đại biểu đánh giá.
Nếu áp dụng thuế VAT 5%, doanh nghiệp đã được khấu trừ chi phí đầu vào họ sẽ đầu tư mở rộng thêm. Giá phân bón trong nước có thể cạnh tranh được với giá nhập khẩu thì người dân được lợi chứ không phải bị thiệt, đại biểu phân tích.
“Chúng ta cần lựa chọn một giải pháp phù hợp. Đề nghị Chính phủ cần thiết xây dựng các tiêu chí, xác định rõ xem mặt hàng nào là không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào là 10%”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng cần có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón, từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5% ở cả hai góc độ.
Một là, nhìn từ góc độ tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Và hai là, góc độ thứ hai là tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào để Quốc hội xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trước khi biểu quyết thông qua.