|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đại biểu Quốc hội: Lợi nhuận ngân hàng còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân

17:36 | 08/11/2021
Chia sẻ
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng vai trò của ngân hàng đối với các doanh nghiệp cần phải đáng giá kỹ hơn, nhất là khi mà đầu vào đang có xu hướng cái gì cũng tăng giá.
Đại biểu Quốc hội: Lợi nhuận ngân hàng còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu tại hội trường. (Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội).

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và công tác phòng chống dịch COVID-19 hôm 8/11, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm trong thời gian qua, tuy nhiên lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi.

Theo đại biểu, doanh nghiệp là “linh hồn” của nền kinh tế nhưng thực tế sự quan tâm thời gian qua vẫn còn chưa đủ. 

"Vai trò của ngân hàng đối với các doanh nghiệp cần phải đáng giá kỹ hơn, nhất là khi mà đầu vào đang có xu hướng cái gì cũng tăng giá", ông An phát biểu.

Đại biểu chỉ rõ hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí cao. Gói vay không lãi suất 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương đến ngày 31/7/2020 khi kết thúc giải ngân, chưa có đơn vị nào tiếp cận được.

Ông cho rằng cần có các gói kích thích với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp, có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, có ý kiến rằng cần phải có cơ chế kiểm soát để các doanh nghiệp đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất, hoặc không để tiền vốn giá rẻ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản như bất động sản, chứng khoán.

Đồng thời, cũng cần có chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn mới mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát.

Theo ông Cường, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó có thể bù đắp được chi phí lãi suất vay cao như thị trường. Nếu ngân sách dành ra 30.000 - 40.000 tỷ để cấp bù thì Việt Nam sẽ có 1 triệu tỷ đồng tiền vốn lãi suất thấp để giúp doanh nghiệp phục hồi. 

Lê Huy