|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đại biểu Quốc hội bức xúc chuyện phá rừng

07:32 | 08/06/2017
Chia sẻ
Các đại biểu nêu các thủ đoạn phá rừng núp bóng thủy điện và đề xuất quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương.

Cách nào để ngăn việc phá rừng và khai thác gỗ trái phép? Câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng chiều 7-6.

Thủy điện phá rừng... rất hiệu quả

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng vấn nạn lớn nhất là chuyện phá rừng mà trong đó thủy điện góp phần phá rừng... rất hiệu quả. “Tôi nghe nhiều dư luận nói rằng khi chạy chọt, cố gắng kiếm được một dự án thủy điện nhỏ thì mục tiêu của họ không phải hy vọng làm thủy điện bán cho điện lực vì không đáng bao nhiêu tiền. Cái họ hướng đến là khi được giao dự án rồi sẽ có một khoảnh rừng tha hồ phá, khai thác toàn bộ gỗ khu vực đó” - bà Lan nói.

Cũng theo ĐB này, dù sau này có chính sách trồng bù rừng đi chăng nữa thì đa số cũng là rừng cao su, trong khi dưới tán cao su không có con gì, cây gì có thể sống được.

“Những cây gỗ lâu năm, gỗ quý, rừng đặc dụng, bảo tồn bị khai thác hết. Rồi khi tính thành tích cuối năm để báo cáo lại lấy những diện tích rừng nho nhỏ vừa được trồng với những cây theo mục tiêu kinh tế mà nó giống như một nông trại lớn chứ không phải là rừng nữa.”

Một ĐB khác của TP.HCM, ông Ngô Tuấn Nghĩa, lại kể một thực tế khác diễn biến nhiều năm qua: “Nhiều người bình thường tự dưng giàu có lên. Anh thuê 30 mẫu hoặc 50 mẫu và lợi dụng khai thác rừng nghèo, trồng rừng mới. Khai thác rừng nghèo xong, trồng rừng mới chẳng có gì, anh sang tay cho người khác và buông xuôi. Thế nên câu chuyện đất hoang hóa, rừng bị tàn phá diễn biến rất phức tạp, phổ biến nhưng lại rất khó cấm cản”.

dai bieu quoc hoi buc xuc chuyen pha rung
Rừng phòng hộ ven biển tại xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên bị chặt trắng. Ảnh: T.LỘC.

Trồng rừng là dân, phá rừng cũng là dân

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 (ĐBQH Hà Giang), kể ở Hà Giang trước đây có rất nhiều gỗ quý như nghiến, đinh, trai, thông đá... nhưng người dân không giữ được, phá hết.

“Có những thời kỳ ở Hà Giang, “người ta” thu mua gỗ để phá hoại mình. Dân mình chỉ đi vác một cục gỗ 30-40 cân bán là mua được cái điện thoại 1-2 triệu rồi. Nhưng dân đi làm cả năm không mua được. Chính cái đó khuyến khích lâm tặc phá rừng. Phá kinh khủng” - Thiếu tướng Cò kể.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cũng cho rằng nếu không dựa vào dân thì không thể giữ được rừng. “Kinh phí hằng năm cho tuyên truyền cũng có. Tôi lấy kinh phí đó mua bò, trâu, heo, tổ chức ăn uống, hội nghị đoàn kết quân dân, rồi tuyên bố biểu quyết từ nay không phá rừng. Thế là dân khoái” - ông Cò nêu kinh nghiệm của mình và đề xuất đánh số thứ tự những cây gỗ quý, giao cho dân quản lý và kiểm tra định kỳ.

Trong khi đó, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 1 Phan Văn Tường (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đặt vấn đề phải bảo vệ rừng phòng hộ và quy định rõ trong luật nguyên tắc không được giảm diện tích rừng phòng hộ.

Tại Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, một số ĐB đề nghị phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ rừng. “Chúng tôi đề nghị phải ghi rõ trách nhiệm là của chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã” - hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà thì đề nghị làm rõ quyền và nghĩa vụ của “chủ rừng” trong dự luật. “Chủ rừng được giao rừng, phải bảo vệ rừng giống như bảo vệ nhà mình, nếu không thì phải xử lý và thay chủ rừng” - ông Trà nói.

Ý kiến khác đề nghị xem xét lại quy định giao cho cấp huyện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng bởi quy định này dễ bị lạm dụng trên thực tế. “Mình chưa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì người ta đã làm tràn lan, thậm chí xây dựng không phép trên đất rừng” - ĐB này lo ngại.

Phú Yên mong cuộc thanh tra sớm có kết quả

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ việc phá rừng làm sân golf ở Phú Yên mới đây, Chủ tịch tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà cho hay hiện việc này đang trong quá trình thanh tra. Tỉnh cũng đang chờ đợi kết luận thanh tra để xử lý nhằm đảm bảo môi trường đầu tư cũng như việc thực hiện pháp luật.

Pháp Luật TP.HCM đề cập đến một số vấn đề pháp lý liên quan đến dự án sân golf, ông Hoàng Văn Trà nói rằng việc đó tỉnh đã làm rõ với báo chí và công luận trước đây và nhấn mạnh rằng tỉnh đang chờ và mong muốn cuộc thanh tra mau chóng có kết quả.

Mấy hôm nay chúng ta thấy nhiệt độ ngoài trời và trong bóng cây khác nhau thế nào. Như thế cho thấy tác dụng lớn của cây xanh... Nhân đây, chúng tôi cũng xin thưa ngay giáo lý của đạo Phật là nghiêm cấm việc chặt cây. Chặt cây cũng bị coi là sát sinh. Cây cối cho ta sự sống, che mát nên cấm tuyệt đối việc chặt cây… Rừng không phải rừng đặc dụng, rừng sản xuất mà rừng còn có thể trồng ngay trong các khu đô thị, khu dân cư.

Hòa thượng THÍCH BẢO NGHIÊM, ĐBQH TP Hà Nội

Đ. Minh - C. Luận - T. Phú