|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đại biểu QH kiến nghị sáp nhập giảm 10 tỉnh, 3-4 bộ

21:13 | 31/10/2017
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng việc sáp nhập các tỉnh có thể giúp giảm chi tiêu thường xuyên hàng nghìn tỉ đồng mỗi tỉnh. Nếu sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh, 3 bộ.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội ngày 31/10, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp, đã chia sẻ về kiến nghị nghiên cứu sáp nhập các tỉnh, các bộ có nhiệm vụ tương đồng tại phiên thảo luận về bộ máy biên chế vào ngày hôm qua, 30/10.

dai bieu qh kien nghi sap nhap giam 10 tinh 3 4 bo
ĐBQH Phạm Văn Hoà - Ảnh: quochoi.vn

Ông Hoà cho rằng để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước, chúng ta có thể xem xét sáp nhập các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau.

Ngoài ra, có thể sáp nhập những tỉnh có dân số thấp, khoảng 700.000-800.000 người trở xuống. "Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, dân số lớn như thế nhưng vẫn hoạt động hiệu quả, không lý do gì các tỉnh khác lại không"- ông Hoà lấy ví dụ.

Tuy nhiên, ông Hoà cũng nhìn nhận thời kỳ đầu sáp nhập có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức bộ máy, con người. Nhưng, sau 1 năm sẽ đi vào nền nếp và hoạt động bình thường.

Về hiệu quả cốt lõi của sáp nhập, theo ông Hoà là sẽ giúp tinh giản biên chế với số lượng rất lớn. Bởi lẽ, sau khi sáp nhập sẽ giảm nguyên bộ máy một tỉnh, kéo theo rất nhiều sở, ban, ngành, cấp huyện, xã giảm. "Qua đó, có thể giảm chi thường xuyên hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm với một tỉnh. Chúng ta có thể dùng số tiền tiết kiệm đó để đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng cho những nơi đang bị yếu kém và như thế là người dân hưởng lợi"- ông phân tích.

Mặc dù thừa nhận khi sáp nhập, điều kiện đi lại của người dân khi đi làm các thủ tục hành chính, hay cán bộ đi xuống cơ sở cũng khó khăn hơn song theo vị ĐBQH, cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư tốt hơn phần nào nên có thể khắc phục được. "Lúc đó chúng ta sẽ xin Quốc hội, Chính phủ giữ lại số tiền chi thường xuyên tiết kiệm được sau sáp nhập để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội. Trong vài năm hạ tầng sẽ tốt hơn, việc đi lại của người dân sẽ thuận lợi hơn, cán bộ xuống cơ sở địa phương cũng thuận lợi, dễ dàng"- ĐBQH Phạm Văn Hoà nêu ý tưởng.

Ông Hoà cũng bày tỏ quan ngại sau sáp nhập, liệu trách nhiệm của cán bộ với công việc, với người dân như thế nào, có chịu đi xuống địa bàn khó khăn không, có bám sát địa bàn, có gần gũi với người dân không…?

Đặc biệt, với công việc sáp nhập Hà Tây về Hà Nội sau gần 10 năm, ông Hoà cho rằng ông chưa nắm được bất cứ khó khăn cụ thể gì và việc sáp nhập nói chung thời gian qua "không có vấn đề gì". Tuy nhiên, nếu không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên sẽ dẫn đến sự hình thành lợi ích nhóm.

Góp ý cụ thể cho việc sáp nhập sau này, ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng nên tiến hành sáp nhập tỉnh trước, sau đó, sẽ tiến hành xem xét sáp nhập các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng với nhau.

"Theo tính toán của tôi, sau khi sáp nhập có thể giảm ít nhất 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, và có thể giảm được 3 - 4 bộ có nhiệm vụ tương đồng"- ông cho hay.

Ông Hoà lưu ý cái khó trong sáp nhập là vấn đề về con người, suy nghĩ, tâm tư của cán bộ bởi chúng ta đều biết đụng đến con người thì rất "nhạy cảm", liên quan đến chế độ, chính sách, đến cuộc sống của con người đó nên sẽ rất tâm tư. Song, về lâu dài vẫn cần phải thực hiện. Chỉ có điều, phải có lộ trình và tính toán thật kỹ, có đề án kế hoạch cụ thể, lấy ý kiến rộng rãi trong dân, trong đội ngũ công chức, viên chức để tạo ra sự đồng thuận.

dai bieu qh kien nghi sap nhap giam 10 tinh 3 4 bo Đầu tư hạ tầng giao thông tại Đồng bằng Sông Cửu Long đang bị ‘đứt đoạn’

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé, hạ tầng giao thông Đồng bằng Sông Cửu Long còn tồn tại “điểm nghẽn” khi nhiều dự án đang ...

Thùy Dương