Đà Nẵng tiếp tục chi hơn 69,2 tỉ đồng hỗ trợ người dân khó khăn do dịch COVID-19
Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các quận, huyện với tổng số tiền gần 69 tỉ đồng để hỗ trợ kinh phí cho các trường hợp là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn thành phố và các trường hợp đặc thù.
Đồng thời, UBND thành phố phê duyệt bổ sung dự toán cho Sở LĐ-TB&XH 249 triệu đồng để hỗ trợ cho trường hợp người có công với cách mạng đang nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm phụng dưỡng người có công với cách mạng và các trường hợp nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập.
Đối với các trường hợp khác, UBND thành phố đề nghị UBND các quận, huyện chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương (với 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, và 70% nguồn cải cách tiền lương) để triển khai thực hiện chi trả.
Kết thúc việc chi trả, tổng hợp quyết toán kinh phí cùng các hồ sơ liên quan gửi Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
Trước đó, theo báo cáo số 171/BC-SLĐTBXH ngày 26/8 về kết quả chi trả cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa TP Đà Nẵng, tính đến ngày 25/8, tổng số trường hợp chi trả là 116.966 người, với tổng kinh phí là hơn 124,2 tỉ đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, bên cạnh kết quả việc chi trả tiền hỗ trợ như trên, thời gian qua, việc tiếp nhận thẩm định hồ sơ giải quyết cho người lao động ở một số địa phương còn chậm, các biểu mẫu, thủ tục, hồ sơ còn khá phức tạp, nhất là trong thời gian đầu triển khai
Theo qui định của Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, các nhóm đối tượng được hỗ trợ có hạn chế, một số thông tin chưa nhất quán nên gây nhiều khó khăn cho cơ sở khi giải thích cho người dân đến yêu cầu giải quyết hỗ trợ; tình trạng người dân ồ ạt lên phường yêu cầu hướng dẫn kê khai theo thông tin hỗ trợ đã gây áp lực lớn và quá tải cho bộ máy cán bộ cơ sở.
Bên cạnh đó, trong quá trình lập danh sách do các địa phương xã, phường hiểu chưa thống nhất các loại hình ngành nghề để ghi vào hồ sơ nên gây khó khăn cho công tác tổng hợp của cấp quận, huyện; thời gian thẩm định quá ngắn (2-3 ngày), lực lượng cán bộ mỏng.
Đặc biệt, các trường hợp đã có Quyết định phê duyệt của UBND thành phố nhưng do tình hình dịch bệnh bùng phát nên một số quận, huyện chi trả chậm lại nhất là quận Thanh khê, quận Ngũ Hành Sơn.