Đà Nẵng rơi khỏi top 3 địa phương dẫn đầu về Chỉ số thương mại điện tử năm 2018
Tại Diễn đàn Thương mại điện tử năm 2018 tổ chức sáng nay (ngày 15/8), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định, mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành đang cao, tuy nhiên quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến còn rất nhỏ so với tổng mức bán lẻ.
Trong bảng Chỉ số về giao dịch B2C, Đà Nẵng với chỉ số là 60,2 điểm, đã không còn ở vị trí thứ ba như năm trước mà “rơi” xuống xếp thứ 6, sau Bình Dương, Hải Phòng và Bắc Ninh. (Ảnh: Hiếu Quân) |
VECOM công bố Chỉ số thương mại điện tử (EBI) năm 2018. Theo đó, trong danh sách chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C), TP HCM và Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với số điểm lần lượt là 80,7 và 79,4 điểm. So với năm trước, chỉ số về giao dịch B2C của cả hai địa phương này đều tăng lên (chỉ số của năm trước là 78,6 và 75,8 điểm).
Đáng chú ý, Đà Nẵng với chỉ số là 60,2 điểm, đã không còn ở vị trí thứ ba như năm trước mà “rơi” xuống xếp thứ 6, sau Bình Dương, Hải Phòng và Bắc Ninh.
Cụ thể, Bình Dương và Hải Phòng ổn định ở những vị trí dẫn đầu của cả nước (xếp thứ ba và thứ tư) với số điểm 69,1 và 67,2 điểm; Bắc Ninh với số điểm 63.
Ngược lại ở cuối danh sách, 5 địa phương có điểm số giao dịch B2C thấp nhất là Kon Tum (28,7 điểm), Bình Phước (28,6 điểm), Tuyên Quang (25,6 điểm), Lạng Sơn (25,1 điểm) và Bắc Kạn (23,5 điểm). Khoảng cách giữa các tỉnh thành dẫn đầu và các tỉnh có chỉ số thương mại điện tử thấp nhất lên tới 57,2 điểm.
Báo cáo của VECOM cho biết, điểm trung bình của chỉ số giao dịch B2C trong cả nước vẫn dưới mức trung bình là 42,4 điểm, trong đó nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu có điểm trung bình là 71,9 điểm và nhóm 5 tỉnh cuối danh sách có mức điểm trung bình là 26,3 điểm.
(Nguồn: Vecom) |
Chỉ số giao dịch B2C năm 2018 được xem xét dựa trên các tiêu chí: xây dựng website doanh nghiệp, tần suất cập nhật thông tin trên website, ứng dụng bán hàng qua mạng xã hội, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, website phiên bản di động, ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động, cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động, tình hình nhận đơn đặt hàng, quảng cáo website/ ứng dụng đi động, doanh thu từ kênh trực tuyến và thu nhập bình quân trên đầu người.
Hiệp hội nhận thấy có mối tương quan giữa thu nhập bình quân của người tiêu dùng với việc đưa ra quyết định mua sắm cũng như giá trị đơn hàng trực tuyến. Vì vậy, báo cáo có dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 5 tỉnh thành có mức thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2016 cao nhất là TP HCM (5,48 triệu đồng), Bình Dương (5,3 triệu), Hà Nội (5 triệu), Hải Phòng (4,6 triệu) và Đồng Nai (4,4 triệu).
Trên thực tế, 4 tỉnh thành phố có mức thu nhập bình quân theo đầu người cao nhất cả nước cũng chính là 4 địa phương dẫn đầu danh sách Chỉ số thương mại điện tử năm 2018.
Xem thêm |