TP HCM dẫn đầu cả nước về chỉ số giao dịch B2C năm 2016
Với 72,4 điểm, TP HCM dẫn đầu cả nước về chỉ số thành phần giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) năm 2016. (Ảnh: Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam) |
‘Mỗi ngày đứt cáp Lazada bị giảm 30% doanh thu’ |
Theo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) 2017 vừa công bố, TP HCM dẫn đầu cả nước về chỉ số thành phần giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) năm 2016 với 72,4 điểm. Tiếp sau là các địa phương Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng và Đà Nẵng. Các địa phương dẫn đầu chênh lệch nhau không quá cao.
Nhóm 5 tỉnh thành có điểm số giao dịch B2C thấp nhất là Cà Mau (24 điểm) và Đắk Nông, Lạng Sơn, Kon Tum và Bắc Kạn. Khoảng cách giữa tỉnh dẫn đầu và tỉnh cuối bảng lên tới 48,4 điểm.
Điểm trung bình của chỉ số giao dịch B2C trong cả nước là 41 điểm, vẫn dưới mức trung bình. Trong đó, nhóm 5 tỉnh dẫn đầu có điểm trung bình là 65,2 điểm và nhóm 5 tỉnh cuối bảng có điểm trung bình là 27,6 điểm.
Kết quả thống kê chỉ số EBI của ba năm 2013 – 2014 - 2015 cũng cho thấy sự chênh lệch về mức độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử ở các địa phương đang tăng dần theo thời gian. Các tỉnh, thành phố lớn tiếp tục dẫn đầu ở các chỉ số hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực, giao dịch thương mại điện tử…
Chỉ số giao dịch B2C năm 2016 được xác định dựa theo các tiêu chí xây dựng website doanh nghiệp, tần suất cập nhật thông tin trên website, ứng dụng bán hàng qua mạng xã hội, việc tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử...
Đặc biệt, chỉ số này trong năm 2016 được bổ sung thêm tiêu chí thu nhập bình quân đầu người bởi vấn đề thu nhập có mối tương quan với mức độ mua sắm trực tuyến của người dân. Theo Tổng cục Thống kê, 5 tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2014 cao nhất là TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu; 5 địa phương thấp nhất là Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn.