Đã hết thời đầu tư vàng sinh lời?
"Vàng giờ chỉ để giữ tiền thôi, chứ còn ai mua vàng để đầu tư nữa đâu, để cả năm trời mới tăng được vài giá”, đây là câu trả lời phổ biến nhất khi hỏi người dân hiện nay về mức sinh lời khi đầu tư vào vàng, trang sức.
Hàng dài người chờ từ sáng sớm tại các cửa tiệm vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) ngày vía Thần tài. Ảnh: Lê Hiếu. |
Không còn các đợt 'sóng vàng'
Ba năm trở lại đây, giá vàng trong nước hầu như không có biến động mạnh. Xét diễn biến giá vàng từ năm 2016 đến nay biểu đồ này gần như chỉ đi ngang.
Vàng trở thành một trong những kênh giữ tiền an toàn và ít biến động bậc nhất. Đã không còn những đợt "sóng vàng" như giai đoạn 2012 trở về trước.
Trong năm 2018, giá vàng trong nước chỉ dao động quanh mức 36-37 triệu đồng/lượng. Thời điểm giá bán ra của vàng miếng SJC lên cao nhất cũng chỉ xấp xỉ 37,4 triệu đồng/lượng (hồi tháng 1/2018), trong khi giai đoạn xuống thấp nhất cũng ở mức 36,4 triệu đồng/lượng (hồi tháng 12/2018).
Tính cả năm, nhà đầu tư nào trót lựa chọn vàng để cất trữ tiền đã thua lỗ 100.000 đồng mỗi lượng. Trong khi đó, chênh lệch giá vàng giữa thời điểm cao nhất và thấp nhất cả năm cũng chỉ chưa tới 3%.
Trước đó, vào năm 2017, mức chênh giá từ đầu năm so với cuối năm cũng chỉ vài trăm nghìn đồng một lượng. Đầu năm, các công ty, ngân hàng kinh doanh vàng lớn bán ra ở mức 36,4 triệu đồng/lượng, thì giá cuối năm cũng chỉ là 36,7 triệu đồng.
Năm 2016, giá vàng tăng 10%, nhưng trong bối cảnh đã giảm 7% trong năm 2015 trước đó.
Nhìn chung, giá vàng trong nước biến động chia ra 2 giai đoạn, trước và sau năm 2012, thời điểm Nghị định 24 quy định chức năng quản lý vàng của cơ quan nhà nước có hiệu lực.
Trước năm 2012, khi Nhà nước chưa tham gia nhiều vào thị trường vàng, giá kim loại quý này từng biến động rất mạnh, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Hoạt động huy động - cho vay vốn bằng vàng đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế.
Nhiều năm liên tiếp giá vàng luôn tăng trưởng 2 con số. Tính trong giai đoạn 2005-2012, giá vàng trong nước đã tăng gấp 5 lần giá trị, từ 9,6 triệu đồng/lượng (2015) lên 46,32 triệu đồng/lượng (2012). Đây cũng là thời điểm giá vàng lên cao nhất trong nhiều thập niên.
Tuy nhiên, sau khi Nghị định 24 có hiệu lực với sự can thiệp của cơ quan quản lý, tình trạng này đã được chấm dứt. Ngay trong năm 2013, giá vàng đã giảm một mạch 25%, xuống mức 34,8 triệu đồng/lượng. 3 năm trở lại đây, vàng gần như không sinh lời.
Vì sao?
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng thay đổi lớn từ năm 2012 là Nghị định 24 có hiệu lực. Trong đó, quy định Nhà nước là đơn vị độc quyền trong việc sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Với quy định này, Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC, một doanh nghiệp thuộc sở hữu 100% của UBND TP.HCM, là đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng trên thị trường.
Đến nay, trên thị trường Việt Nam có nhiều đơn vị kinh doanh vàng lớn nhỏ nhưng chỉ có một loại mặt hàng vàng miếng là vàng SJC.
Toàn bộ vàng miếng giao dịch trên thị trường đều là vàng miếng SJC. Ảnh: Tùng Tin. |
Theo các chuyên gia ngân hàng, đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng nhằm ổn định thị trường. Việc NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng cũng sẽ giúp can thiệp bình ổn thị trường vàng, thực hiện điều hành quản lý ngoại hối (sản xuất vàng miếng, vàng nguyên liệu…) và không coi là hoạt động đầu tư kinh doanh.
Chính việc này đã giúp NHNN kiểm soát được lượng cung vàng miếng trên thị trường từ đó can thiệp được vào giá theo hướng bình ổn.
Theo báo cáo của NHNN, kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, giá vàng ổn định, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm đáng kể.
Từ năm 2014 đến nay, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm, nhiều thời điểm giảm hơn 50% so với năm 2013. Tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế đã bị loại bỏ.
Số liệu của NHNN cho biết trước đây có khoảng 12.000 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh vàng kinh doanh mua, bán vàng miếng. Sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, số lượng điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng trên toàn quốc đã giảm còn khoảng 2.242 điểm.
Từ năm 2012 đến nay, NHNN chưa cấp phép cho đơn vị nào nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các đơn vị tự cân đối nguồn vàng nguyên liệu trên thị trường.
Xem thêm |