Đã đến lúc thay khái niệm ‘cò đất’ bằng ‘nhà môi giới’ bất động sản
Hội thảo Vai trò hoạt động môi giới bất động sản trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam do Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị phối hợp với Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 27.6, đã tập trung chỉ rõ những tồn tại của hoạt động môi giới bất động sản trong nước.
Gần 90% môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản cho biết, luật Đất đai năm 1993 ra đời đã góp phần đặt nền móng đầu tiên cho thị trường bất động sản Việt Nam hình thành và phát triển.
Năm 2006, Quốc hội thông qua luật Kinh doanh bất động sản đầu tiên; từ đây các hoạt động đầu tư, tạo lập, mua bán, chuyển nhượng bất động sản và hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, trong đó có môi giới bất động sản được điều chỉnh trong khuôn khổ pháp luật. Có thể xem như nghề môi giới được “khai sinh” từ đây, được thừa nhận, địa vị pháp lý của nhà môi giới được xác lập rõ ràng.
Qua gần 15 năm phát triển kể từ khi luật Kinh doanh bất động sản 2006 ra đời, lực lượng các nhà môi giới bất động sản, công ty môi giới, sàn giao dịch bất động sản đã có nhiều đóng góp tích cực, quyết định vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản.
“Tuy nhiên, thị trường dịch vụ môi giới bất động sản vẫn còn nhiều méo mó. Xã hội vẫn kỳ thị gọi các nhà môi giới bất động sản là “cò đất”, bởi tính chụp giật, làm ăn bất chấp đạo lý và quy định của pháp luật nhằm trục lợi cá nhân, lừa đảo người mua của nhiều nhà môi giới, ảnh hưởng chung đến thị trường này”, ông Lập cho hay.
Cũng theo ông Lập, theo thống kê năm 2019 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước có khoảng 300.000 người tham gia hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản nhưng chỉ có khoảng 27.000 người có chứng chỉ hành nghề (gần 90% môi giới hoạt động mà không có chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật còn yếu kém).
Đội ngũ môi giới chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, chỉ có khoảng 50% nhà môi giới chuyên nghiệp, phần còn lại hầu hết là nghiệp dư, không ít là tay ngang chuyển nghề khi thị trường tăng nóng, thiếu đào tạo, không được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên mua và bên bán. Hay tại Đà Nẵng, hơn 10 năm triển khai đào tạo và cấp chứng chỉ, đến nay cũng chỉ mới có hơn 1.600 chứng chỉ môi giới được cấp…
TS Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, cho hay theo khảo sát của Bộ Xây dựng, có đến hơn 80% nhân viên môi giới trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia một khóa đào tạo cho nhân viên nhưng các hình thức đào tạo chủ yếu vẫn là những nhân viên trong công ty truyền lại kinh nghiệm cho nhân viên mới.
Một số người hành nghề môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, các quy định quản lý.
Một số lượng không nhỏ các sản phẩm được môi giới bất động sản chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý bất động sản, quy hoạch... Thực tế cho thấy, người hành nghề môi giới bất động sản chân chính chưa được bảo vệ…
TS Trần Hữu Hà nhìn nhận, môi giới bất động sản ở Việt Nam có trình độ thấp, thiếu chuyên nghiệp và còn thiếu quan tâm đến các quy định của pháp luật.
Hoạt động đào tạo bài bản chuyên sâu cho người hành nghề chưa thực sự được quan tâm, đang thiếu một giáo trình hoàn chỉnh cho công tác đào tạo chứng chỉ hành nghề.
Cần thay khái niệm “cò đất” bằng “nhà môi giới”
Đại diện Khoa Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị) cho hay, vấn nạn giao dịch ngầm “cò đất ” trong thị trường bất động sản đang làm đau đầu các nhà quản lý.
Do vậy, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật cho hoạt động môi giới bất động sản. Để dịch vụ môi giới bất động sản phát triển thì niềm tin của khách hàng sẽ là điều kiện sống còn. Đã đến lúc chúng ta phải thay khái niệm “cò đất” bằng “nhà môi giới”, nhưng không dễ dàng.
Trước tiên, cần phải quy hoạch lại hoạt động môi giới bất động sản và đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước với các quy định luật lệ rõ ràng, cấp thẻ hành nghề môi giới và đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhà nước phải tăng cường kiểm soát hoạt động của các tổ chức trung tâm môi giới hiện nay như yêu cầu người làm dịch vụ tư vấn môi giới bắt buộc phải đăng ký hoạt động và được nhà nước cấp phép.
Đồng thời, cần có chế tài xử lý vi phạm mạnh hơn đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Cần công khai thông tin quy hoạch, thành lập trung tâm hỗ trợ sàn giao dịch bất động sản.
Nhiều chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, cần phát triển các trung tâm đào tạo môi giới bất động sản chuyên nghiệp.
Nhà nước quan tâm hơn nữa tới những ngành dịch vụ liên quan đến thị trường bất động sản vì hiện nay hệ thống hạ tầng cho đào tạo nghề môi giới bất động sản ở nước ta còn thiếu hụt.
Cần có xác nhận của môi giới với mã số hành nghề riêng rồi mới đến bước ký hợp đồng sang nhượng, cho thuê; chấn chỉnh lại công tác đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới bất động sản đúng quy định pháp luật; quy định cơ chế báo cáo đối với các đơn vị môi giới không phải là sàn giao dịch…