Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn: 'Nhiều lần liên hệ trả lại 5,2 triệu USD nhưng không được'
Ngày 8/3, TAND TP HCM tiếp tục xét hỏi một số bị cáo trong đoàn thanh tra liên quan đến hành vi nhận "lót tay" của bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) để bịt sai phạm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Là người đầu tiên trong nhóm này bị thẩm vấn, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II (cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm như cáo trạng truy tố về tội Nhận hối lộ.
Bà Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra - người chỉ đạo Đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra tại SCB. Quá trình làm việc, bà này đã nhận tiền từ SCB thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc) 5,2 triệu USD nhằm bao che, bưng bít sai phạm của SCB. Sau đó, bà Nhàn gửi các báo cáo với nội dung "không trung thực, sai lệch kết quả thanh tra" theo hướng giảm nhẹ sai phạm để giúp cho SCB tiếp tục được tái cơ cấu.
Bà Nhàn khai có 4 lần nhận tiền từ Văn, tổng cộng 5,2 triệu USD, song phủ nhận việc nhận tiền "xuất phát từ tất cả việc làm sai trái của bản thân, để có lợi cho SCB".
Theo bị cáo, trong suốt thời gian thanh tra cho đến lúc có kết quả đã không nhận bất cứ lợi ích gì. Sau khi có báo cáo chỉ ra các sai phạm của SCB, và khi Văn đưa tiền, bị cáo đều từ chối không nhận. "Cho đến khi Văn nói đừng làm khó Văn và bản thân. Bị cáo rất sợ, chưa sử dụng đồng nào. Nhiều lần bị cáo gọi Văn đến lấy lại tiền nhưng không được. Bị cáo nhận thức nếu không trả lại sẽ đi tù", bà Nhàn khai.
Bị cáo lấy số tiền 5 triệu USD (đựng trong 3 thùng xốp) đem gửi ở nhiều nơi. Một thùng gửi trong căn hộ của người thân ở Hà Nội mua nhưng chưa sử dụng. Hai thùng khác mang về nhà người thân ở Nam Định nhưng không nói bên trong là tiền.
"Báo cáo kết luận thanh tra nguyên bản ban đầu của bị cáo và đoàn thanh tra là hoàn toàn trung thực, khách quan. Nhưng anh Hưng (Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) nói cứ làm theo chỉ đạo của anh - sửa lại", bà Nhàn phân trần, và cho biết đã không báo cáo ông Hưng về việc nhận tiền vì "biết là sai phạm, xác định sẽ trả lại".
Cựu cục trưởng trình bày thêm, khi chưa trả lại được tiền cho Văn thì mẹ mất. Trong lúc hoảng loạn, bị cáo nói người nhà nộp lại toàn bộ số tiền và bị cáo đã chủ động ra cơ quan công an trình báo sự việc. "Hai ngày sau khi mẹ mất thì bị cáo bị bắt", bà Nhàn khai.
Theo chủ tọa, trên thực tế khách quan bị cáo Nhàn đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Vì hành vi của bị cáo mà đáng lẽ SCB phải đặt vào diện kiểm soát đặc biệt vào năm 2018, chứ không phải 2022.
Bà Nhàn thừa nhận "biết tất cả hành vi của mình là sai", "sự việc xảy ra là do nông nổi nhất thời" và đã khắc phục 100% tài sản. Bà này mong tòa xem xét cho bản thân và các thành viên trong đoàn thanh tra được hưởng sự khoan hồng.
Cựu Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước khóc, xin giảm nhẹ cho cấp dưới
Trong gần 20 phút trả lời xét hỏi của tòa, ông Nguyễn Văn Hưng thừa nhận cáo trạng "thể hiện đầy đủ hành vi", song đưa ra một số lý do khách quan khiến bản thân phạm tội.
Ông Hưng là người ra quyết định thanh tra, có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát nội dung hoạt động của Đoàn thanh tra tại Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, bị cáo không chỉ đạo làm rõ sai phạm đối với khoản vay của 71 khách hàng, không làm rõ việc cho vay để đảo nợ, không kiến nghị đối với các sai phạm của SCB... dẫn đến Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Khai với HĐXX ông Hưng thừa nhận đã nhận 390.000 USD từ SCB thông qua Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT) và Võ Tấn Hoàng Văn trong các ngày lễ trong năm. Về quá trình thanh tra SCB, ông này cho biết đây là các cuộc thanh tra định kỳ, không phải đột xuất. Trước đợt thanh tra, bị cáo tâm niệm cần xác định rõ thực trạng hiện tại, chỉ ra các vấn đề tồn tại cần khắc phục và "phải làm đến cùng đối với SCB".
Theo bị cáo, những sai phạm của mình "là do khách quan" như không giám sát chặt chẽ, khối lượng nội dung xác minh lớn, thời gian không còn nhiều... nên không phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra, lúc đó bị cáo sắp nghỉ hưu nên không dành hết tâm tư, thời gian cho đợt thanh tra.
Tuy nhiên, HĐXX không đồng ý với lời giải thích này, bởi bị cáo "nắm rất rõ các quy định, quy trình thanh tra".
Cuối phiên xét hỏi sáng nay, khi nhắc đến các thành viên đoàn công tác, ông Hưng khóc, nói: "Trước đợt thanh tra họ còn chưa bao giờ phạm lỗi. Chỉ vì thiếu nhận thức mà giờ nhiều người phải thành bị cáo. Mong HĐXX giảm án cho họ".
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh kiểm tra, bà Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của SCB trong đó có Chủ tịch HĐQT Đinh Văn Thành, Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn... mua chuộc cán bộ, lãnh đạo đoàn thanh tra để họ bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.
Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, bà Đỗ Thị Nhàn và ông Nguyễn Văn Hưng thừa nhận thời kỳ thanh tra, thực trạng tài chính của SCB "rất xấu, đủ điều kiện đưa vào diện kiểm soát đặc biệt". Các sai phạm ở SCB cũng nghiêm trọng, chủ yếu ở các dự án, phương án cho vay, nợ xấu, thoát lãi dự thu. Dù vậy, ông Hưng báo cáo không đúng thực trạng của SCB, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý. Từ đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin để xử lý sai phạm của SCB và ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan.
Trong vụ án này, bà Lan bị xác định là người chủ mưu cầm đầu, bị truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
Những người còn lại bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xác định tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Chiều nay phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.