|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cựu chủ tịch Nissan được tại ngoại lần hai với 4,5 triệu USD bảo lãnh

11:04 | 26/04/2019
Chia sẻ
Trước đó, ngày 4/4, Ghosn bị bắt lần hai, sau gần một tháng được tại ngoại nhờ khoản tiền bảo lãnh 9 triệu USD...
Cựu chủ tịch Nissan được tại ngoại lần hai với 4,5 triệu USD bảo lãnh - Ảnh 1.

Carlos Ghosn, cựu chủ tịch Nissan - Ảnh: Bloomberg.

Tòa án Tokyo ngày 25/4 đã chấp thuận khoản bão lãnh trị giá 4,5 triệu USD để cựu chủ tịch Nissan - Carlos Ghosn được tại ngoại lần hai. Việc được tại ngoại giúp Ghosn có cơ hội chuẩn bị để chống lại các cáo buộc chuyển hàng triệu USD từ Nissan Motor Co. thông qua các trung gian ở nước ngoài để sử dụng vào mục đích cá nhân, theo Bloomberg.

Điều kiện bảo lãnh cho Ghosn bao gồm: ông phải cư trú tại địa chỉ đã đăng ký trước tại Nhật, không được rời khỏi Nhật và không được tiêu hủy bất kỳ chứng cứ nào có liên quan tới vụ án, cùng một số điều kiện khác.

Theo hãng truyền hình Asahi của Nhật, các công tố viên đã đệ đơn kháng cáo quyết định cho Ghosn được bảo lãnh tại ngoại.

Trước đó, ngày 4/4, Ghosn bị bắt lần hai, sau gần một tháng được tại ngoại nhờ khoản tiền bảo lãnh 9 triệu USD. Cơ quan chức năng Nhật cho biết bắt giữ ông lần thứ hai bởi họ cho rằng ông đã tiêu hủy các bằng chứng liên quan tới cáo buộc mà theo đó ông bị bắt giữ hồi tháng 11 năm ngoái. Từ khi bị bắt tới nay, Ghosn một mực phủ nhận mọi cáo buộc.

"Lý do duy nhất khiến ông ấy (Ghosn) bị giam giữ là nguy cơ ông ấy sẽ bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ", Stephen Givens, giáo sư luật của Đại học Sophia tại Tokyo, cho biết trước quyết định bảo lãnh mới nhất của Ghosn. "Sau 2 bản cáo trạng mới nhất, Ghosn có thể đưa ra các điều kiện để nói với tòa án rằng ông ấy sẽ không bỏ trốn".

Cáo trạng mới nhất chống lại cựu chủ tịch Nissan được đưa ra vào ngày 22/4. Trong đó các công tố viên nói rằng năm 2017 và 2018, Nissan đã mất 5 triệu USD, được chuyển vào các tài khoản do Ghosn kiểm soát thông qua các công ty ở nước ngoài. Đây là tội danh nghiêm trọng nhất chống lại cựu chủ tịch Nissan, cũng là người từng điều hành liên minh ôtô toàn cầu Nissan - Renault SA - Mitsubishi Motors Corp.

Tòa án "đã chấp thuận để Ghosn gặp vợ mình tại trại giam, có nghĩa là ông ấy không vi phạm bất kỳ quy định nào trong lần bảo lãnh trước đó", Nobuko Otsuki, một luật sư bào chữa ở Tokyo không liên quan tới vụ án này, nhận định.

Việc được tại ngoại lần này cho phép Ghosn trở về nhà và làm việc với các luật sư để chuẩn bị cho phiên tòa sắp tới, có thể bắt đầu trong năm nay hoặc năm sau. Ông cũng phủ nhận các cáo buộc mới chống lại mình, nói rằng các công tố viên bị ảnh hưởng bởi "các âm mưu tại Nissan".

Nissan cũng phát lại thông cáo trước đó về vụ việc của Ghosn, nói rằng không thể bình luận về các quyết định hoặc quy trình pháp lý, nhưng đã tự thực hiện điều tra và đã tìm được "lượng bằng chứng đáng kể về hành vi vi phạm đạo đức trắng trợn", của Ghosn cùng cánh tay phải Greg Kelly của ông - người hiện vẫn được bảo lãnh tại ngoại sau khi bị bắt cùng Ghosn vào tháng 11 năm ngoái.

Sau khi Ghosn bị bắt lần đầu tiên, Nissan và Renault đã tiết lộ các khoản thanh toán được thực hiện qua các công ty ở Oman và Lebanon được cho là dùng vào lợi ích cá nhân của ông, bao gồm một du thuyền và startup của con trai ông.

Kể từ sau khi người đứng đầu liên minh bị bắt, cả Nissan, Renault SA và Mitsubishi đều đưa vào cấu trúc quản trị mới giúp việc ra quyết định trơn tru và công bằng hơn. .

Nissan đã nhanh chóng sa thải Ghosn khỏi vị trí chủ tịch ít ngày sau khi ông bị bắt lần đầu tiên. Công ty có trụ sở tại Yokohama nhiều khả năng không đạt được mục tiêu lợi nhuận năm 2018, lần đầu thu về lợi nhuận ít hơn đối tác Renault trong một thập kỷ qua. Ngày 24/4, Nissan giảm dự báo lợi nhuận sơ bộ năm tài chính 2018 (kết thúc vào tháng 3/2019) lần thứ hai, xuống còn 318 tỷ Yên, từ mức 450 tỷ Yên trước đó.

Ngọc Trang