Bê bối Carlos Ghosn và tương lai của Nissan Motor
Ông Carlos Ghosn, khi giữ chức Chủ tịch Nissan, phát biểu trong cuộc họp báo ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 12/5/2011. Ảnh: AFP/ TTXVN
“Ông trùm” ngành ô tô “ngã ngựa”
Cựu Chủ tịch Ghosn (64 tuổi) bị bắt ngày 19/11/2018 liên quan đến những nghi ngờ vi phạm Luật Quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính của Nhật Bản, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân.
Sau hơn 3 tháng bị bắt giữ, ngày 6/3/2019, ông Carlos Ghosn đã được tại ngoại với số tiền bảo lãnh lên tới 1 tỷ yen (9 triệu USD). Trong thời gian tại ngoại, ông Ghosn không được rời khỏi Nhật Bản và phải lắp camera an ninh tại cửa ra vào tư gia.
Ngoài ra, ông không được sử dụng điện thoại di động tùy ý và chỉ được truy cập một máy tính tại văn phòng của luật sư của ông vào các ngày thường trong tuần và chỉ sử dụng vào ban ngày. Ông cũng không được liên lạc với các giám đốc của Nissan cũng như những người có liên quan đến vụ bê bối.
Tuy nhiên, nếu được Tòa án quận Tokyo chấp thuận, ông Ghosn được tham dự các cuộc họp của ban lãnh đạo Nissan.
Cho đến nay, ông Ghosn luôn bác bỏ mọi cáo buộc. Nếu bị kết tội với mọi tội danh, cựu Chủ tịch tập đoàn sản xuất ôtô Nissan sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam. Quyết định cho phép ông Ghosn tại ngoại của tòa được xem là động thái bất ngờ bởi trước đó, tòa từng khẳng định rằng cần giam giữ doanh nhân này vì ông có thể tìm cách can thiệp làm xáo trộn bằng chứng cũng như có thể trốn ra nước ngoài.
Ngay sau khi bê bối nổ ra, Nissan đã quyết định cách chức ông khỏi vị trí chủ tịch. Ông Ghosn cũng phải rời khỏi vị trí lãnh đạo của hai hãng Renault và Mitsubishi. Dự kiến, Nissan tiến hành cuộc họp cổ đông bất thường vào ngày 8/4 tới nhằm cách chức hoàn toàn ông Ghosn khỏi ban lãnh đạo của tập đoàn này.
Ông Ghosn là người đứng đầu liên minh sản xuất ôtô gồm hãng Renault của Pháp và hai hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản. Ông được xem là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành xe hơi Nhật Bản khi từng giữ vai trò quan trọng giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng này bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu.
Sinh ra ở Brazil, mang quốc tịch Pháp, Carlos Ghosn từng theo học ở Liban và Paris, trước khi dành 18 năm làm việc tại công ty sản xuất lốp xe Michelin. Kể từ đó, ông liên tục thăng tiến và trở thành người điều hành chi nhánh Bắc Mỹ của công ty.
Sau đó, ông chuyển tới hãng Renault và đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch điều hành từ năm 1996 đến 1999. Sau khi Renault mua 43% cổ phần của Nissan vào năm 1999, Ghosn đã được cử tới Nissan. Tại đây, ông tiến hành cắt giảm chi phí mua sắm của công ty, đóng cửa các nhà máy, sa thải 21.000 vị trí việc làm, sau đó đầu tư khoản tiền tiết kiệm được vào việc phát triển 22 mẫu xe tải và ô tô trong vòng 3 năm.
Từng bước một, ông đã đưa hãng xe của Nhật Bản ra khỏi bờ vực phá sản. Carlos Ghosn từng được coi là nhân vật huyền thoại trong ngành ô tô thế giới khi gây dựng liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi trở thành liên minh sản xuất ô tô lớn nhất hành tinh.
Kịch bản nào cho “đế chế” Nissan?
“Đế chế” Nissan Motor Co. có lịch sử hoạt động trong hơn 100 năm và nằm dưới sự chèo lái của Carlos Ghosn trong gần hai thập niên (từ năm 1999).
Nissan, ban đầu được Masujiro Hashimoto thành lập dưới tên Kwaishinsha Motor Car Works, đi vào hoạt động năm 1911. Trải qua một số lần đổi tên, phải đến năm 1934, cái tên Nissan Motor Company mới được sử dụng. Nihon Sangyou, còn được biết đến với tên Japan Industries, năm 1931 sáp nhập với Nissan.
Trụ sở Nissan tại Yokohama, Nhật Bản, ngày 7/1/2019. Ảnh: THX/ TTXVN
Giám đốc điều hành của Nihon Sangyou khi đó là Yoshisuke Aikawa đã không ngần ngại mua lại cổ phần của những cổ đông không nhiệt tình rồi tập trung vào việc xây dựng các nhà máy chế tạo ô tô Nissan.
Thời hậu chiến, Nissan thiết lập quan hệ đối tác với nhiều hãng chế tạo ô tô khác để sản xuất xe cho họ. Nissan lúc này cũng chuyển đổi mô hình từ sản xuất xe ô tô chở khách nhỏ sang sản xuất xe tải và xe quân sự.
Năm 1960, Nissan trở thành hãng chế tạo ô tô Nhật Bản đầu tiên thắng Giải thưởng Deming nhờ thiết kế xuất chúng. Hãng chứng kiến sự tăng trưởng thần kỳ trong những năm 1960.
Những cuộc khủng hoảng năng lượng trong thập niên sau đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mẫu xe giá thành phải chăng, đạt hiệu quả nhiên liệu của Nhật Bản.
Thành công tại Mỹ và các thị trường khác mở lối cho Nissan mở rộng hoạt động tại nước ngoài, hiện bao gồm các nhà máy chế tạo và lắp ráp tại gần 20 quốc gia trên thế giới. Sau giai đoạn khó khăn vào cuối những năm 1990, Nissan chuyển mình với việc xây dựng quan hệ liên minh với hãng chế tạo ô tô Pháp Renault.
Renault-Nissan bắt đầu thiết lập quan hệ từ năm 1999 và tháng 10/2016 đã mạnh tay chi khoảng 2,2 tỷ USD để mua lại 34% cổ phần của Mitsubishi Motors Corp, dần đưa liên minh trở thành một trong số ít các liên doanh xuyên lục địa trụ vững từ ngày đầu thành lập.
Renault-Nissan là hình mẫu điển hình về một cách thức kết hợp độc đáo khi Renault SA và Nissan Motors được "ràng buộc" với nhau thông qua thỏa thuận lưu giữ cổ phần chéo.
Các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho hay, mặc dù Nissan đã đóng góp khoảng 50% cho thu nhập ròng của nhà sản xuất ô tô Pháp trong những năm gần đây nhưng Renault sở hữu 43,4% cổ phần của Nissan, trong khi nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chỉ nắm giữ 15% cổ phần của Renault và không có quyền tham gia biểu quyết.
Theo thỏa thuận hiện có giữa Nissan và Renault, mỗi bên có quyền chỉ định nhân sự cho năm vị trí, nhưng riêng chức vụ Giám đốc điều hành (CEO) và Chủ tịch sẽ được Renault quyết định còn chức vụ phó do Nissan chỉ định.
Trước khi bị bắt, ông Ghosn được cho là đang tìm kiếm cơ hội tiến hành sáp nhập hoàn toàn cả ba nhà sản xuất ô tô dưới sự lãnh đạo của Renault, trong khi các nhà lãnh đạo tại Nissan nhấn mạnh vào việc duy trì sự độc lập của công ty này.
Theo giới phân tích, sau khi vụ bắt giữ Carlos Ghosn xảy ra, các quan chức Nissan vẫn dự định duy trì liên minh với Renault SA và Mitsubishi Motors Corp vì những lợi ích mà nó mang lại. Kịch bản mang tính tích cực nhất là Nissan Motor Co. phải làm mới mình để có thể thích ứng tốt hơn trong một bối cảnh đang chuyển đổi nhanh chóng.
Kịch bản khác xấu hơn là Nissan phải đối mặt với viễn cảnh bị Renault “nuốt chửng”. Cho dù là kịch bản nào thì theo đánh giá của Rebecca Lindland, nhà phân tích cấp cao của Cox Automative, nhận định liên minh do ông Ghosn thành lập sẽ sống sót nhưng chắc chắn có chia rẽ.