|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cường quốc châu Á đối mặt nguy cơ tăng trưởng âm

04:00 | 24/07/2024
Chia sẻ
Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh ở Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng khó khăn.

Ông Choi, người kinh doanh một nhà hàng ở khu vực Eulji-ro ở trung tâm thủ đô Seoul, gần đây đã giảm nhân lực làm việc bán thời gian do bán hàng quá chậm. Áp lực tài chính đã khiến ông phải vận động gia đình chia sẻ công việc để giảm thiểu chi phí. Chủ nhà hàng này cho biết riêng chi phí thuê nhà và nhân công đã lên tới 3 triệu won (khoảng 2.169 USD) mỗi tháng, trong khi khách hàng đến nhà hàng lại giám đáng kể và số tiền chi tiêu cho ăn uống cũng giảm mạnh.

Chủ một cửa hàng tiện lợi họ Park ở Muan tỉnh Nam Jeolla gần đây đã quyết định đóng cửa, ngừng kinh doanh do lượng khách hàng giảm đáng kể, trong khi lương tối thiểu và các chi phí cần thiết lại tăng khiến họ không thể cân đối tài chính.

Thông tin cho biết Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) dự kiến sẽ công bố số liệu sơ bộ về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2024 vào ngày 25/7. Giới chuyên môn cho biết dự kiến Hàn Quốc sẽ đối mặt với tốc độ tăng trưởng âm, từ - 0,1 đến - 0,2% trong quý II. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 6 quý kể từ khi “xứ Kim chi” ghi nhận tăng trưởng -0,5% vào quý IV/2022 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nguyên nhân tốc độ tăng trưởng GDP giảm trong quý II/2024 là do GDP tăng mạnh trong quý I, lên 1,3%, vượt xa dự báo ban đầu của thị trường nhờ xuất khẩu được cải thiện nhưng nhu cầu nội địa ở mức trì trệ. Tiêu dùng cá nhân sụt giảm mạnh và đầu tư doanh nghiệp chậm lại, đồng thời ngày càng có nhiều lo ngại về triển vọng GDP của năm 2024. Có nhiều phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục sụt giảm khi cú sốc tiêu dùng trở nên nghiêm trọng hơn dự kiến và sản xuất, đầu tư trong nước tiếp tục tụt dốc.

Trước đó, Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) trong báo cáo đánh giá xu hướng kinh tế tháng 7 nhận định tiêu thụ nội địa vẫn chưa có chiều hướng hồi phục, doanh số bán lẻ, đầu tư thiết bị và đầu tư xây dựng đều đồng loạt giảm. Doanh số bán lẻ trong tháng 5 đã giảm 3,1% so với một năm trước, tập trung vào các mặt hàng quần áo, ô tô. Đầu tư thiết bị giảm 5,1% trong bối cảnh lãi suất cao. Chỉ số tiêu biểu của ngành xây dựng là tiến độ thi công xây dựng cũng giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

KDI nhấn mạnh sự cách biệt giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, được thể hiện cả ở tâm lý doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu nhận định tình hình kinh doanh sẽ dần được cải thiện, thì ngược lại các doanh nghiệp tiêu thụ nội địa lại cho rằng tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục đình trệ.

Đặc biệt, có nhiều chỉ trích rằng Chính phủ Hàn Quốc và BoK đã vội vàng nâng dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2024 do lạc quan về mức tăng trưởng bất ngờ trong quý I và đang phản ứng một cách tự mãn trước nhu cầu trong nước trì trệ.

Suy thoái kinh tế và sự suy giảm trong ngành xây dựng đang trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh lãi suất cao khiến ngày càng có nhiều người kêu gọi BoK cần nhanh chóng xoay trục, chuyển đổi chính sách tiền tệ trong tăng tốc độ cắt giảm lãi suất. Giới phân tích chỉ ra rằng kỳ vọng về xuất khẩu đang tăng lên nhờ sự bùng nổ của chất bán dẫn toàn cầu, nhưng rủi ro từ tác động sụt giảm nhu cầu nội địa là rất lớn.  

Theo kết quả phân tích dữ liệu sử dụng thẻ tín dụng của Maeil Business Newspaper, số lần sử dụng thẻ trong quý đầu tiên năm 2024 là 4,48 tỷ lượt và số tiền sử dụng là 254.800 tỷ won, giảm lần lượt 4,1% và 2,7% so với quý trước.

Giáo sư kinh tế tại Đại học Chung-Ang Lee Jeong-hee cho biết Chính phủ Hàn Quốc đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 căn cứ vào hiệu suất xuất khẩu đã được cải thiện. Tuy nhiên, sự ấm lên trong xuất khẩu không dễ dàng tác động tích cực đến nhu cầu trong nước.

Khánh Vân