Cuối năm, chứng khoán lo ngại rủi ro từ ngoại biên
Một thống kê của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) từ dữ liệu trong 10 năm trở lại đây (2006-2015) cho thấy quý IV là quý có hiệu suất sinh lời thấp nhất trong 4 quý trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, trong 10 năm, có 5 năm chứng khoán giảm điểm trong quý IV. Con số này ở mức trung bình nếu so với 4 năm giảm của quý III, 6 năm giảm của quý II và 3 năm giảm của quý I. Tuy nhiên, lợi nhuận bình quân trong 10 năm của quý IV chỉ ở mức âm 2,4%, trong khi lợi nhuận bình quân trong 10 năm của các quý I, quý II và quý III lần lượt đạt 10,9%; 2,9% và 3,1%. Ngoại trừ mức tăng đột biến của quý 4 năm 2006, các năm tăng điểm khác của quý IV đều có mức tăng tương đối thấp (dưới 7%) trong khi trong các năm giảm của quý IV, chỉ số VN-Index đều giảm điểm mạnh.
Các chuyên gia của BVSC cho rằng, hiện tượng trên có liên quan đến yếu tố mùa vụ, nhu cầu sử dụng vốn của DN và người dân trong các tháng cuối năm. Giai đoạn này, các DN thường chốt đơn hàng và lượng tiền mặt cần để thanh toán hợp đồng lẫn chuẩn bị lương thưởng cho nhân viên là rất lớn. Bên cạnh đó, cũng có những nhu cầu khác như mua sắm trang thiết bị, sửa sang phòng ốc, nhà cửa, mua sắm chuẩn bị cho tết Dương và tết Âm… của cả khách hàng cá nhân lẫn DN. Tương tự như hiện tượng cao điểm tín dụng của ngân hàng giai đoạn cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao cũng khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán bị rút bớt trong quý IV, gây tác động xấu đến điểm số. Mặc dù vậy, đây là yếu tố thống kê từ dữ liệu lịch sử và chỉ có tính chất tham khảo. Trên thực tế, trong 5 năm trở lại đây, chỉ số VN-Index cũng có 3 năm tăng điểm nhẹ trong quý IV, cho thấy mặc dù yếu tố mùa vụ có ít nhiều ảnh hưởng, tuy nhiên không phải yếu tố quyết định tác động đến diễn biến chỉ số.
Đặc biệt, việc một số ngân hàng công bố hạ lãi suất cho vay những ngày gần đây được đánh giá là sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM đánh giá, lãi suất hạ sẽ giúp giảm bớt chi phí tài chính, tăng hiệu quả kinh doanh cho các DN. Qua đó, giúp chứng khoán được hưởng lợi gián tiếp. Tuy nhiên, những tác động này sẽ có độ trễ nhất định.
Ngoài ra, dự báo của các công ty chứng khoán đều đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán trong các tháng còn lại của năm 2016. Đáng chú ý là các thông tin liên quan đến việc niêm yết các DN vốn hóa lớn như Sabeco, Habeco... Dựa theo sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài đối với phần vốn Nhà nước tại hai DN này đặc biệt là các giao dịch của cổ phiếu Sabeco trên thị trường OTC giai đoạn gần đây, các chuyên gia đều đánh giá cao khả năng Sabeco và Habeco sẽ góp phần làm đa dạng hóa cổ phiếu mà nhà đầu tư ngoại có thể nắm giữ trên thị trường, qua đó giúp cải thiện sự hấp dẫn của thị trường. Trả lời báo chí mới đây, lãnh đạo Sabeco cũng đã khẳng định Sabeco sẽ được niêm yết trên sàn TP.HCM ngay trong tháng 12 tới đây. Theo tính toán của BVSC, nếu giá cổ phiếu của Sabeco duy trì mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của DN này sẽ ở mức hơn 64.000 tỷ đồng, đủ sức cạnh tranh vị trí top 5 DN vốn hóa lớn nhất sàn TP.HCM và chắc chắn biến động của giá cổ phiếu Sabeco trong giai đoạn đầu mới lên sàn sẽ có tác động rất lớn đến chỉ số VN-Index. Từ những yếu tố trên, giới đầu tư kỳ vọng chỉ số chứng khoán sẽ thiết lập mặt hàng giá mới trong nửa đầu quý IV-2016, đặc biệt khi kết quả kinh doanh của các DN trong quý III-2016 cũng sẽ dần được công bố.
Tuy nhiên, nửa cuối quý IV-2016 nhiều yếu tố tiềm ẩn mang lại tác động không tích cực đối với chỉ số chung đặc biệt sau nhịp tăng kéo dài hơn 10 tháng. Theo phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), các sự kiện liên quan đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ và cuộc họp FED trên thị trường thế giới tiềm ẩn khả năng đem lại diễn biến bất ngờ trên thị trường. Trong đó nhiều khả năng FED có thể sẽ tiến hành nâng lãi suất trong tháng 12-2016 sau khi các dữ liệu lịch sử đều ủng hộ những động thái thay đổi vào thời điểm cuối năm. Thêm vào đó là các tín hiệu được đưa ra trong biên bản cuộc họp tháng 9 nhằm định hướng giúp cho thị trường tránh khỏi một cú sốc. Dù đã được dự báo từ trước, nhưng động thái thận trọng trước các yếu tố bất định phần nào giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro. Cùng với đó là tiến trình tiếp theo của sự kiện Brexit. Mặc dù những hiệu ứng ngắn hạn đã đi qua, tuy nhiên những hiệu ứng dài hạn sẽ dần được thể hiện trên thị trường.
Những yếu tố trên từ thị trường thế giới cũng sẽ tác động không nhỏ tới giao dịch của khối ngoại. Theo VCBS, các dữ liệu trong quá khứ cũng cho thấy thời điểm quý IV không phải là thời điểm giải ngân ưa thích của khối ngoại. Cuối năm 2016 cũng là thời điểm một số quỹ đầu tư ngoại hết hạn hoạt động tại Việt Nam. Dù chỉ là hiệu ứng chuyển đổi hoạt động và không mang tính vĩnh viễn nhưng trong ngắn hạn vẫn có thể tạo ra những tác động tiêu cực lên chỉ số. Do đó, các chuyên gia VCBS không đánh giá cao khả năng dòng vốn ngoại được dải ngân ồ ạt như giai đoạn cuối quý II-2016 đầu quý III-2016 mà thay vào đó thiên về kịch bản hoạt động cầm chừng. Các dòng vốn lớn nếu có nhiều khả năng mang tính chất ngắn hạn, khó dự báo.
Tuy nhiên, khi dư địa tăng trưởng vẫn tồn tại, nhà đầu tư vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục tại các cổ phiếu đầu ngành có triển vọng kinh doanh sáng sủa và đang thu hút được dòng tiền. Theo đó, các chuyên gia đánh giá cao triển vọng quý IV-2016 của một số nhóm cổ phiếu như vật liệu xây dựng, bán lẻ, ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, phân bón, hóa chất. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến một số DN với các câu chuyện cá biệt như chuyển sàn giao dịch từ UPCOM lên HNX hoặc từ HNX lên HOSE; các DN liên quan đến các thương vụ M&A hay thoái vốn Nhà nước…
Chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của thị trường chứng khoán Việt Nam (sàn TP.HCM) vào cuối quý III-2016 ở mức 16,34, tăng nhẹ so với thời điểm cuối quý II-2016 và đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Sàn TP.HCM dù vẫn đang nằm trong nhóm P/E thấp so với mức trung bình 19,15 lần của khu vực nhưng đã cao hơn tương đối so với P/E của nhóm thị trường mới nổi (khoảng 14,75 lần) và nhóm thị trường cận biên (khoảng 12,33 lần). Sự cải thiện của chỉ số P/E có phần đóng góp không nhỏ từ diễn biến tích cực của nhóm vốn hóa lớn trong giai đoạn vừa qua. |