Cuộc khủng hoảng năng lượng lên tầm cao mới, giá dầu chạm mức 85 USD/thùng
Tại thời điểm 8h53 sáng ở London, giá dầu Brent giao sau đã tăng khoảng 1,3% lên 85,05 USD/thùng, lần đầu tiên chạm ngưỡng này kể từ tháng 10/2018. Bloomberg nhận xét đây là cột mốc mới nhất trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang lan tràn từ đông sang tây.
Trong vài tuần gần đây, giá dầu thô giao sau liên tục tăng vọt, thậm chí một số cơ quan dự báo như Bank of America còn cho rằng loại nhiên liệu hóa thạch này có thể chạm mốc 100 USD/thùng vào cuối năm 2021. Tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đưa ra nhận xét tương tự.
Hôm 14/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết cuộc khủng hoảng của ngành năng lượng đang lan từ khí đốt sang thị trường dầu mỏ và nhu cầu trong những tháng tới có thể tăng thêm 500.000 thùng/ngày.
Các nhà phân tích tại Deutsche Bank lưu ý rằng từ đầu năm đến nay, giá tại châu Âu đã tăng 500%, trong khi ở Mỹ và châu Á thì cao hơn khoảng 1,5 lần. Tại châu Âu, giá khí đốt tự nhiên còn tương đương với giá dầu giao dịch quanh mức 190 USD/thùng.
Dự báo mới của IEA càng gây thêm áp lực cho lượng tồn kho dầu thô trên toàn cầu khi mà tại cuộc họp hồi đầu tháng 10, liên minh dầu mỏ OPEC+ vẫn quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày như đã đề ra trước đó chứ không bơm thêm dầu ra thị trường như lời kêu gọi của Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.
Giá của hàng loạt mặt hàng, từ dầu khí đến than đá tăng vọt, đang thúc đẩy lạm phát đi lên và đặt ra thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách. Dù việc này giúp tăng doanh thu cho các nước sản xuất dầu mỏ, nó có nguy cơ làm chậm quá trình phục hồi của các nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19.