|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bloomberg: Con số quan trọng nhất trong tuần qua là 80 USD/thùng dầu thô

10:25 | 11/10/2021
Chia sẻ
Sau khi giá dầu WTI chạm mức 80 USD/thùng vào tuần trước, Phố Wall bỗng xôn xao về bóng ma lạm phát đình trệ từng xuất hiện vào những năm 1970.

Bóng ma lạm phát đình trệ

Phố Wall đang gợi nhắc lại một thuật ngữ từng xuất hiện cách đây vài chục năm trước: "lạm phát đình trệ" (stagflation). Đây là một sự kết hợp hiếm hoi giữa lạm phát tăng nóng trong khi tăng trưởng kinh tế chững lại.

Lần cuối cùng Mỹ trải qua tình trạng lạm phát đình trệ là vào giữa những năm 1970, khi OPEC quyết định ngừng bán dầu thô cho Mỹ, khiến giá dầu tăng gấp 4 lần lên gần 12 USD/thùng. Đó là một cú sốc mà người tiêu dùng không thể kham nổi, đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.

Tuy nhiên, hoàn cảnh hiện tại không giống như năm xưa, mà thực chất tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu mới là nguyên nhân khiến nguồn cung dầu thô bị thắt chặt và làm cho giá dầu leo thang khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.

Tuần trước, giá dầu WTI đã lần đầu tiên đạt mốc 80 USD/thùng kể từ năm 2014. Điều đáng lo ngại là giá dầu hiện đã tăng gấp đôi trong 12 tháng qua, một cột mốc mà hãng dữ liệu DataTrek Research bày tỏ lo ngại.

Bloomberg: Con số quan trọng nhất trong tuần qua là 80 USD/thùng dầu thô - Ảnh 1.

Bây giờ, nhà đầu tư đang quay cuồng với một loạt nghiên cứu từ các nhà phân tích với những tiêu đề như "Giá năng lượng có trở thành rủi ro lạm phát đình trệ hay không?", hay "Giá năng lượng tăng vọt gợi nhắc trải nghiệm tồi tệ của thập niên 1970",…

Ông Robert Burgess, biên tập viên quản lý mục Bloomberg Opinion, cho rằng đáp án của những câu hỏi trên khá rõ ràng: rất có thể là không có rủi ro nghiêm trọng nào.

Tất nhiên, giá năng lượng quá cao sẽ gây ức chế cho người tiêu dùng. Trong năm nay, giá trung bình cho một gallon xăng loại thường tại Mỹ đã tăng 45% lên 3,26 USD/gallon; trong khi giá khí đốt tự nhiên giao sau đã nhảy vọt 128% kể từ đầu tháng 4.

Bloomberg: Con số quan trọng nhất trong tuần qua là 80 USD/thùng dầu thô - Ảnh 2.

Tuy nhiên, so với những năm 1970, rõ ràng là người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ nói chung đang ở vị thế thuận lợi hơn để chống chọi với cơn bão giá năng lượng, ngay cả khi 5 triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp.

Bloomberg: Con số quan trọng nhất trong tuần qua là 80 USD/thùng dầu thô - Ảnh 3.

Một trạm xăng tại Mỹ. (Ảnh: Bloomberg).

Tại sao không nên lo lắng khi giá dầu thô tăng cao?

Thứ nhất, năng lượng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong chi tiêu hộ gia đình tại Mỹ, cây bút Burgess nhấn mạnh. Chi phí cho xăng xe, dầu sưởi ấm, điện và khí đốt tự nhiên hiện chiếm khoảng 4,3% thu nhập khả dụng của người dân Mỹ, giảm từ hơn 7% của thập niên 1970.

Thứ hai, người tiêu dùng bây giờ có thể chi tiêu thoải mái hơn. Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các hộ gia đình đang chi khoảng 8,23% thu nhập khả dụng để trang trải nợ nần, một tỷ lệ thấp kỷ lục so với hơn 10% của những năm 1980.

Mặc dù các gói kích thích kinh tế cũng như trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp của chính phủ liên bang đã kết thúc, người tiêu dùng có rất nhiều khoản tiết kiệm khác để xoay xở. Theo Bloomberg Economics, tổng tiết kiệm của người dân Mỹ hiện đạt hơn 2.000 tỷ USD.

Thứ ba, BloombergNEF còn lưu ý rằng, lưu lượng xe cộ đi lại trên đường phố vẫn đang tăng, bất chấp giá nhiên liệu cao đột biến và nước Mỹ sắp bước vào mùa đông, thời điểm người dân ít ra đường hơn so với cao điểm mùa hè.

Bloomberg: Con số quan trọng nhất trong tuần qua là 80 USD/thùng dầu thô - Ảnh 4.

Cuối cùng, nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ từng vận hành khá ổn định trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2015, khi giá dầu thô trung bình đạt hơn 100 USD/thùng.

Tuần trước, các chiến lược gia của JPMorgan Chase cho hay, điều chỉnh theo lạm phát, bảng cân đối tiêu dùng, tổng chi tiêu cho năng lượng, tiền lương và giá của các tài sản khác như nhà ở và cổ phiếu, ngay cả khi giá dầu tăng lên khoảng 130 - 150 USD/thùng, thị trường chứng khoán và nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có thể hoạt động tốt.

Trên thực tế, JPMorgan Chase còn lập luận rằng giá dầu ở mức 80 USD/thùng là còn khá rẻ khi mà tất cả loại tài sản chủ chốt hiện nay như trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản,…đều đã tăng khoảng 50% hoặc hơn trong thập kỷ qua, trong khi dầu thô giảm 25%.

Mỹ và thế giới đã học được rất nhiều từ cú sốc dầu thô vào những năm 1970. Bài học quan trọng nhất chính là đã đến lúc các nước nên giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu hóa thạch.

Dù quá trình chuyển đổi năng lượng còn chậm, nhưng dù sao nó cũng đang diễn ra. Trong một cáo cáo gần đây, hãng tư vấn Horizon Investments cho biết mức độ đóng góp của năng lượng vào GDP đã giảm một nửa so với thập niên 1970.

Dẫn dữ liệu từ Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, Horizon Investments cho hay, hiện thế giới chỉ cần 0,43 thùng dầu thô để tạo ra 1.000 USD GDP. Con số của năm 1973 là gần 1 thùng dầu.

Ngoài ra, hiện giờ Mỹ không chỉ là một nhà xuất khẩu năng lượng ròng mà còn sở hữu kho dự trữ dầu thô khổng lồ. Ông Burgess phỏng đoán rằng Nhà Trắng có thể tận dụng kho dự trữ này để giảm bớt cú sốc giá năng lượng. Cây bút này cũng nói rằng, nền kinh tế Mỹ chắc chắn đang trải qua tình trạng lạm phát đình trệ, nhưng không đen tối như những năm 1970.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.