Cuộc đối đầu giữa Metaverse và AI
Rất có khả năng vào cuối năm nay, thử nghiệm lớn của Meta (tên cũ là Facebook) về công nghệ thực tế ảo sẽ gây ra khoản lỗ doanh thu lên đến hơn 50 tỷ USD. Đó là một con số gây sốc. Tuy nhiên, sự chú ý của các thị trường lại đang tập trung vào một vấn đề khác.
Có thể nói năm 2023 là một năm khá tốt đẹp đối với công ty truyền thông mạng xã hội do tỷ phú Mark Zuckerberg sáng lập.
Meta đã dành được vị trí quan trọng trong thế giới trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách lựa chọn chia sẻ công việc của mình – truyền bá AI tạo sinh thay vì cố gắng tích trữ nó.
Sản lượng quảng cáo kỹ thuật số dần hồi phục, giúp làm tăng doanh thu cho công ty. Trên sàn giao dịch chứng khoán, giá cổ phiếu của Meta đã quay trở lại mức cao kỷ lục vốn có.
Đó là một kỳ tích khi xem xét lại những khó khăn mà Meta đã trải qua vào đầu năm nay. Doanh thu hàng năm sụt giảm và công nghệ thực tế ảo Metaverse bị chế giễu bởi những hình ảnh đại diện có phần kỳ lạ, kèm những lời chê bai về sự thiếu sót… Đáp lại, ông Zuckerberg đã tuyên bố về một năm làm việc hiệu quả.
Tại Meta, những dự án có mức độ ưu tiên thấp đã bị hủy bỏ, nhiều danh sách hoạt động bị xóa và 21.000 việc làm bị cắt giảm trong hai đợt sa thải lớn của năm nay. Nhưng các nhà đầu tư yêu thích những hành động táo bạo. Họ không bận tâm đến những tổn thất dự kiến Metaverse gây ra.
Trên thực tế, quy mô nhân lực của Meta vẫn lớn hơn so với giai đoạn trước đại dịch và giá cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 160% trong năm nay.
Meta thậm chí có thể được ca ngợi vì những đóng góp vào sự phục hồi của thị trường quảng cáo. Không phải mọi công ty truyền thông mạng xã hội đều được chia sẻ vinh dự này. Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2023, doanh thu của Meta tăng mạnh, trong khi doanh thu của đối thủ Snap đi xuống.
Những sai lầm của tỷ phú Elon Musk tại nền tảng mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) đã khiến quảng cáo của công ty này bị thu hẹp, càng làm nổi bật thêm hiệu quả mà Meta đạt được trong năm nay.
Ngoài mảng quảng cáo, Meta còn ghi nhận một số chiến thắng khác. Sau khi cho ra mắt chức năng đăng tải các video ngắn trên kênh “Reels" của ứng dụng mạng xã hội Instagram, số lượng người dùng của mạng này đã cải thiện đáng kể.
Instagram lấy lại được đà cạnh tranh mạnh mẽ với TikTok – "gã khổng lồ" mạng xã hội chuyên về chia sẻ video ngắn nổi tiếng toàn cầu của Trung Quốc. Việc phát hành một nền tảng mới giống như Twitter của Meta, với tên gọi là Threads, cũng đã nhanh chóng được hàng chục triệu người đăng ký sử dụng vào mùa Hè năm nay. Đáng tiếc là đà phát triển của ứng dụng này bắt đầu có xu hướng giảm dần.
Meta vẫn đang tiếp tục mở rộng toàn bộ cơ sở người dùng của mình, mặc dù cho đến nay đã có gần một nửa dân số thế giới đăng ký tham gia vào các ứng dụng của công ty.
Mark Zuckerberg và Metaverse
Điểm lại hoạt động của Meta trong năm nay, có hai thứ ít được nhắc tới hoặc không nhiều hoạt động bề nổi. Đó là nhà sáng lập Mark Zuckerberg và Metaverse. Đã bốn năm kể từ khi tỷ phú Zuckerberg công khai chia sẻ quan điểm, hoạt động, cũng như mục tiêu hàng năm của mình trên các phương tiện truyền thông.
Trong cuộc cạnh tranh đối đầu trực tuyến với tỷ phú Musk, ông Zuckerberg dường như đã lựa chọn lui về phía sau, từ bỏ phần lớn ý tưởng xây dựng hình ảnh của mình trước công chúng.
Thay vào đó, vai trò này chuyển sang cho ông Nick Clegg. Cựu Phó Thủ tướng Anh, người có tài khoản Instagram được cập nhật thường xuyên và hiện là gương mặt đại diện cho Meta.
Về phía Metaverse, sau “màn” ra mắt đình đám vào cuối năm 2021, công nghệ ảo thực tế này gần như không xuất hiện nhiều trên các bản tin của Meta. Do đó, những lời bàn tán về Metaverse cũng ít xuất hiện.
Trong năm nay, Meta đã phát hành một bộ tai nghe công nghệ thực tế ảo có giá bán là 500 USD, đặt tên là Meta Quest 3. Bộ tai nghe công nghệ mới này được đánh giá khá tốt.
Nhưng như vậy là quá ít cho những gì có thể làm được trong một năm giữa một thế giới ảo vô cùng bận rộn. Ngoài ra, Meta Quest 3 không phải là một mặt hàng được “săn lùng” rộng rãi trên toàn cầu.
Metaverse và AI
Đã có những đồn đoán cho rằng Meta đang tìm cách kết hợp AI và Metaverse lại với nhau. Cho đến nay những thông báo về AI từ Meta đang tạo ra nhiều hứng thú hơn so với Metaverse.
Tuần trước, Meta đã phát hành Imagine, một công cụ tạo hình ảnh AI độc lập tương tự như công cụ DALL-E của OpenAI – công ty tạo ra ứng dụng ChatGPT. Trên mạng xã hội Instagram, WhatsApp và Messenger, công ty cũng đã mở rộng một bộ sưu tập các ký tự AI, đồng thời đang thử nghiệm “trí nhớ dài hạn” cho phép những ký tự này có thể ghi nhớ các cuộc trò chuyện.
Liệu Metaverse có trở lại vào năm 2024? Có lẽ có. Nhưng sau tất cả sự phục hồi của Meta, sự trở lại của công nghệ thực tế ảo nhiều khả năng không được như mong đợi. Doanh thu từ mảng Metaverse Reality Labs trong năm 2023 được dự báo giảm đáng kể so với năm 2022. Và đó là những gì mà công ty cần cải thiện trong năm 2024.
Công ty kiểm toán Deloitte dự đoán trong năm tới, Meta sẽ tập trung nhiều hơn vào các ứng dụng thực tế ảo dành cho doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là sẽ ít trò chơi hơn và nhiều công việc hơn.
Bên cạnh đó, Meta còn có một số vấn đề cấp bách khác cần giải quyết. Mới đây tiểu bang New Mexico (Mỹ) đã cáo buộc Meta đã không bảo vệ người dùng bằng cách cho phép đề xuất nội dung khiêu dâm trên các tài khoản của người dùng chưa đủ tuổi vị thành niên. Các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU) cũng yêu cầu Meta cung cấp thêm các biện pháp, kế hoạch bảo vệ trẻ em trên Instagram. Trong khi đó. tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang đang cố gắng ngăn chặn việc kiếm tiền từ dữ liệu của người dùng dưới 18 tuổi.
Có vẻ như AI sẽ tiếp tục chiếm lấy sự chú ý từ Metaverse, vì cả những lý do tốt và xấu. Dự án công nghệ thực tế ảo của tỷ phú Zuckerberg sẽ vẫn tiếp tục tiến triển, cũng như gánh chịu những khoản lỗ và chiếm một phần rất nhỏ doanh thu, trong khi chỉ tạo ra sự quan tâm khiêm tốn của công chúng.