|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc dạo chơi của Nga ở Bắc Cực sẽ làm thay đổi ngành năng lượng toàn cầu?

20:56 | 03/12/2020
Chia sẻ
Trong khi ngành năng lượng toàn cầu rơi vào tình trạng bế tắc vì đại dịch COVID-19, các tập đoàn của Nga vẫn tham vọng gia tăng sản lượng khí LNG thông qua vốn đầu tư khủng cho tuyến đường biển mới gần Bắc Cực.

Biến đổi khí hậu là một trong các vấn đề môi trường gây tranh cãi nhất trong thế kỉ 21. Song, biến đổi khí hậu chưa hẳn là một diễn biến tiêu cực đối với các nước đồng minh của Nga.

Đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu khí đốt tự nhiên và năng lượng nói chung sụt giảm nghiêm trọng, nguồn cung do đó cũng trở nên dư thừa. 

Tuy nhiên, Novatek, nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai của Nga, vẫn cân nhắc tăng sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại hai cơ sở Yamal LNG (Nga) và Arctic LNG 2 (Siberia).

Gần đây, Novatek vừa kí một số hợp đồng để hoàn thiện đội tàu phá băng, quyết tâm biến Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) thành một giải pháp thay thế để di chuyển xuống phía nam và nhờ đó các phương tiện có thể đi lại quanh năm trong khu vực.

Thông qua hoàn thiện tuyến đường NSR, Novatek có thể phân phối một lượng khí đốt tự nhiên lớn với chi phí thấp hơn và giao hàng nhanh chóng đến các thị trường châu Âu và châu Á.

Cuộc dạo chơi của Nga ở Bắc Cực sẽ làm thay đổi ngành năng lượng toàn cầu? - Ảnh 1.

Một tàu chở LNG gần cảng Nakhodka của Nga. (Ảnh: Shutterstock).

Nga sở hữu trữ lượng khí tự nhiên lớn nhất thế giới. Theo hãng tin Daily Sabah, chính quyền Moscow rất muốn gia tăng thị phần của họ trên thị trường năng lượng toàn cầu và quan tâm đến việc đầu tư vào các giải pháp thay thế rẻ hơn như LNG.

Để cạnh tranh với các nhà cung ứng LNG lớn như Qatar, Australia và Mỹ, Nga đã tìm đến các khu vực chưa được khai phá ở Bắc Cực, nơi được cho là tập trung 1/5 trữ lượng khí đốt tự nhiên của thế giới.

Ông Oğuzhan Akyener, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Năng lượng Thổ Nhĩ Kì (TESPAM) cho biết trong dài hạn, nguồn cung năng lượng quan trọng nhất sẽ là khí đốt tự nhiên.

Ông Akyener lí giải: "Trong bối cảnh hiện tại, giá khí đốt tự nhiên sẽ ít chịu phụ thuộc hơn giá dầu". Dự đoán này khiến cho việc ngay lập tức đầu tư vào các dự án khí đốt tự nhiên trong tương lai trở nên quan trọng hơn.

Theo ông Akyener, thương nhân trên thị trường khí đốt tự nhiên đang tìm mua LNG thay vì khí đốt đường ống. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất của LNG rẻ hơn, cộng đồng quốc tế gây áp lực chính trị đối với các dự án đường ống khí đốt và nhu cầu năng lượng trên thị trường thay đổi.

Ông Akyener cho hay: "Nga, vốn có khả năng đánh giá các xu hướng mới khá tốt, đang định hình lại các chính sách xuất khẩu khí đốt, thiết lập một hệ thống phân phối cố định với ba dự án đường ống mới và đầu tư đáng kể vào lĩnh vực LNG".

Giám đốc TESPAM cho biết Nga "đặt mục tiêu tăng công suất khai thác LNG lên 120 triệu tấn vào những năm 2040" và việc phá băng ở Bắc Cực tạo điều kiện cho Nga tiếp cận thị trường thế giới và củng cố mức độ hiện diện của nước này.

Đội tàu phá băng

Đầu tháng 11, Mistui O.S.K Lines (MOL, Nhật Bản) tuyên bố tập đoàn năng lượng khổng lồ Novatek của Nga đã kí thỏa thuận mua nguyên chiếc ba tàu sân bay LNG phá băng. Ba tàu phá băng này dự kiến do Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering của Hàn quốc đóng và giao hàng vào năm 2023.

Ngoài ra, Novatek còn kí hợp đồng với công ty Sovcomflot (SCF) của Nga để mua ba tàu chở LNG phá băng khác. Loạt thỏa thuận mới của Novatek cho thấy hoạt động vận chuyển khối lượng lớn khí LNG từ Bắc Cực ra thị trường thế giới sẽ diễn ra quanh năm.

Theo thông cáo báo chí của MOL, các tàu phá băng "sẽ chủ yếu vận chuyển LNG từ một bến tải LNG trên Bán đảo Gydan ở miền cực bắc của Nga đến các cơ sở lưu trữ LNG nổi, sau đó hàng sẽ được chuyển đến bên trung chuyển ở Kamchatka và Murmansk thông qua Tuyến đường biển phía Bắc NSR".

Theo Daily Sabah, tuyến đường NSR cho phép các công ty vận chuyển khí LNG sản xuất ở miền cực bắc của Nga đến các khách hàng ở châu Á trong vòng 15 ngày thông qua eo biển Bering. Tuyến đường mới giảm một nửa thời gian vận chuyển so với qua kênh đào Suez truyền thống, đồng thời giảm cả chi phí vận chuyển.

Trước đó giới chuyên gia cho rằng băng tuyết chỉ cho phép doanh nghiệp vận chuyển khí đốt trong một khoảng thời gian nhất định trong năm, chủ yếu là vào các tháng mùa hè và mùa thu khi băng mỏng.

Song, các tàu sân bay mới được thiết kế để có thể di chuyển về hướng đông qua tuyến đường biển NSR quanh năm.

Ông Igor Tonkovidov, CEO của SCF, cho biết: "Ngay cả trong điều kiện băng giá đầy thách thức..., đi theo tuyến đường biển NSR sẽ giúp các tàu chở khí đốt giảm đáng kể hải trình đến các cảng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương so với đi qua kênh đào Suez".

"Hải trình ngắn hơn cho phép chúng tôi tối ưu hóa logistics và giảm lượng khí thải carbon trong quá trình vận chuyển", ông Tonkovidov nhấn mạnh.

Cuộc dạo chơi của Nga ở Bắc Cực sẽ làm thay đổi ngành năng lượng toàn cầu? - Ảnh 2.

Vị trí hai dự án LNG của tập đoàn Novatek. (Ảnh: Daily Sabah).

Nga tham vọng tăng sản lượng bất chấp dịch bệnh

Trong tháng 9 năm nay, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng lô hàng LNG từ cơ sở Yamal LNG ở bán đảo Yamal (phía tây bắc của Nga) qua tuyến NSR đạt đến 700.000 tấn, báo cáo của công ty phân tích Argus Media nêu rõ.

Văn phòng thông tin NSR cho biết, trong nửa đầu năm 2020 có khoảng 935 chuyến tàu chờ LNG đi qua tuyến đường biển NSR. Phần lớn chuyến tàu được thực hiện bằng tàu phá băng Arc 7 mà Novatek đang kí hợp đồng mua thêm từ các đối tác.

Ngoài công suất 17,4 triệu tấn/năm của Yamal LNG, dự án Arctic LNG 2 mới, trị giá 21,3 tỉ USD và có công suất khoảng 19,8 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ bắt đầu vận hành thương mại vào năm 2023.

Novatek từng thông báo rằng tổng sản lượng LNG của tập đoàn sẽ tăng gần ba lần. Vào tháng 9, Novatek cho biết tập đoàn đang cân nhắc sản xuất khoảng 57 - 70 triệu tấn LNG/năm vào năm 2030, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu LNG của các khách hàng châu Á của Nga, ngoại trừ Nhật Bản, đều sẽ tăng vào năm 2040. Trung Quốc, quốc gia có nhu cầu năng lượng ngày càng lớn cũng nằm trong số các khách hàng của Nga.

Bất chấp đánh giá chung rằng NSR sẽ không thể dễ dàng thay thế vai trò của kênh đào Suez trong thương mại toàn cầu, thực tế lại chứng minh điều ngược lại. 

Các nước vẫn đang đầu tư mạnh vào tuyến đường biển mới cũng như các khu vực xung quanh, đặc biệt là hai tay chơi Nga và Trung Quốc.

Ngoài 60% của Novatek, gã khổng lồ năng lượng Total của Pháp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Dầu khí và Kim khí Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) lần lượt nắm 10% cổ phần của dự án Arctic LNG 2.

Yên Khê