OPEC + hoãn đàm phán sản lượng năm 2021 đến ngày mai (3/12)
Ban đầu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và một số đồng minh khác (gọi chung là OPEC+) đã lên kế hoạch nhóm họp vào 20h ngày 1/12 (theo giờ Việt Nam). Liên minh dầu mỏ dự kiến sẽ hạ mức giảm sản lượng hiện tại xuống 2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021.
Tuy nhiên, do nhu cầu dầu thô chưa phục hồi vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, OPEC+ đã cân nhắc kéo dài mức giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày trong những tháng đầu của năm 2021. Theo Reuters, mức giảm trên tương tương khoảng 8% tổng nhu cầu dầu thô toàn cầu và đang được ông lớn Arab Saudi ủng hộ.
Sau khi các cuộc tham vấn hôm 29/11 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, nguồn tin của Reuters cho biết Nga đã đề xuất các nước thành viên OPEC+ chỉ nên tăng sản lượng khoảng 0,5 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1 năm sau.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một thành viên OPEC, cho biết họ sẽ sẵn sàng ủng hộ đề xuất trên nếu các thành viên cải thiện việc tuân thủ mức giảm sản lượng đã đề ra.
Nga là một trong các nước không đạt được mục tiêu giảm sản lượng như đã cam kết với OPEC+. Theo thỏa thuận, Nga đồng ý giảm sản lượng khai thác xuống khoảng 8,5 triệu thùng dầu/ngày trong giai đoạn tháng 5 - 7/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu.
Song, hãng tin Interfax dẫn số liệu chính thức cho biết sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Nga trong tháng 7 đã tăng lên 9,37 triệu thùng/ngày, nhích nhẹ so với con số 9,32 triệu thùng/ngày của tháng 6.
Ngày 2/8, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga khẳng định sản lượng dầu thô của nước này trong tháng 7 không thay đổi so với mức của tháng 6 và phù hợp với thỏa thuận giảm sản lượng kí kết với OPEC+.
Hôm 30/12, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, sẽ từ chức đồng chủ tịch của một ủy ban giám sát cấp cao, ba nguồn tin của Reuters cho hay. Hiện không rõ tại sao Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi lại quyết định làm như thế.
Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin (Nga) cho biết khác biệt giữa Nga và OPEC không còn nghiêm trọng như vào đầu năm 2020, thời điểm những bất đồng trong đàm phán làm phát sinh cuộc chiến giá dầu.
Tuy nhiên, ông Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch liên lạc cho giới lãnh đạo Arab Saudi trước cuộc họp của OPEC+. Trong quá khứ, việc liên lạc trước như thế này thường giúp giải quyết các tranh chấp trong nội bộ liên minh dầu mỏ.
OPEC+ buộc phải nâng giá dầu đủ để hỗ trợ ngân sách của các nước thành viên, song không được làm quá mạnh tay để sản lượng dầu của đối thủ Mỹ tăng vọt.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ thường có xu hướng tăng khi giá dầu nhích lên khỏi mốc 50 USD/thùng. Thách thức hơn, khả năng tài chính giúp Nga có thể chống chịu giá dầu thấp tốt hơn Arab Saudi.