|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc chiến thương mại khiến ngành cao su Thái Lan rơi vào khủng hoảng

18:32 | 27/11/2018
Chia sẻ
Ngành cao su Thái Lan, quốc gia đứng ngoài cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang chịu rủi ro lớn  khi nhu cầu từ Trung Quốc giảm mạnh. 

Người lao động tại các đồn cao su làm việc trước khi bình minh để thu hoạch "vàng trắng", sản phẩm đưa Thái Lan trở thành nhà sản xuất cao su hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, khi giá cao su lao dốc vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, người nông dân Thái Lan đang phải từ bỏ công việc này.

Cao su latex Thái Lan sản xuất mọi thứ từ lốp và bao cao su đến núm vú giả cho trẻ em và găng tay phẫu thuật. Quả của cây cao su được trồng tại các diện tích bất tận trên cả nước. Tuy nhiên, thương mại cao su đang gặp khó khăn khi cuộc tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tác động tới khắp các quốc gia Đông Nam Á với những hậu quả không dự đoán được.

Các quốc gia như Việt Nam đang được lợi vì nhiều nhà sản xuất chuyển đến từ Trung Quốc để tránh sự trừng phạt thuế quan đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, tại Thái Lan, giá cao su đã giảm 20% kể từ tháng 6 vì những thuế quan tương tự ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu từ các nhà máy tại Trung Quốc, thị trường chiếm hơn một nửa xuất khẩu cao su latex Thái Lan.

cuoc chien thuong mai khien nganh cao su thai lan roi vao khung hoang
Người lao động phân loại tấm cao su thô tại một nhà máy tại tỉnh Rayong, Thái Lan. Ảnh: AGENCE FRANCE-PRESSE

Một số người lao động Thái Lan bị buộc phải từ bỏ công việc tại đồn cao su để làm việc tại nhà máy.

"Tôi không thể nuôi gia đình mình nữa", bà Annita, người làm việc 10 tiếng mỗi ngày để thu hoạch cao su latex tại Chiang Rai, phía bắc Thái Lan, kiếm được 7 USD/ngày, thấp hơn mức lương tối thiểu và bằng một nửa mức lương vài năm về trước. Vì vậy, bà đã nhận một công việc đóng gói sản phẩm tại một nhà máy với thu nhập khoảng 9 USD mỗi ngày.

Trong khi những người trồng đậu nành Mỹ bị ảnh hưởng bởi thuế quan 25% từ Trung Quốc, thị trường đậu nành lớn nhất thế giới, những vấn đề khác đang lặng lẽ hình thành trên khắp thế giới.

Ngành công nghiệp một thời bùng nổ đang rơi vào khủng hoảng khi giá cao su Thái Lan giảm còn khoảng 1,21 USD/kg. Năm 2011, giá cao su gấp 5 lần mức giá này.

Khoảng 1/3 tổng lượng cao su trên thế giới đến từ Thái Lan, nơi cao su latex được thu hoạch về đêm hoặc trước khi bình minh.

Quốc gia Đông Nam Á hiện sản xuất khoảng 4,6 triệu tấn cao su mỗi năm và việc nhu cầu tại Trung Quốc bất ngờ giảm đã gây ra khủng hoảng nguồn cung dư thừa toàn cầu trong dài hạn. Điều này đẩy giá xuống thấp.

Sự bất ổn bao phủ toàn ngành công nghiệp sau khi thuế quan của Mỹ đánh lên gần một nửa hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, theo ông Karako Kittipol, Giám đốc Marketing tại Thai Hua Rubber, cho biết.

"Các công ty Trung Quốc không muốn dự trữ quá nhiều cao su", ông nói.

Giá trị của đồng nhân dân tệ so với USD cũng đã giảm, khiến cao su trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà sản xuất Trung Quốc.

Thái Lan là một người ngoài cuộc trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng lại đang hứng chịu những hậu quả khó lường từ nó. Chính phủ Thái Lan đang cố gắng giải quyết vấn đề nguồn cung và nhắm tới giảm hơn 60.000 ha diện tích trồng cao su mỗi năm trong vòng 5 năm tới.


Lyly Cao