|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cùng khai thác thị phần thịt mát tươi sống với cổ đông lớn, Vissan và Masan có cạnh tranh với nhau?

20:06 | 22/06/2020
Chia sẻ
Đại diện Vissan cho rằng thị phần thịt mát tươi sống của Việt Nam còn rất lớn, Vissan và Masan đi vào phân khúc thị trường khác nhau nên cả hai sẽ là đối tác, cùng phát triển trong thời gian tới để khai thác thị trường vẫn còn mới này.

Theo báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2019 của CTCP Việt Nam Kĩ nghệ Súc sản Vissan (Vissan - Mã: VSN), hiện vốn điều lệ của Vissan là 809 tỉ đồng.

Trong đó, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đang là cổ đông lớn nhất của Vissan với tỉ lệ sở hữu là 67,76%, cổ đông lớn thứ hai là Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế Anco với tỉ lệ sở hữu là 24,94%.

Đáng chú ý, Masan hiện đang nắm 80,8% vốn tại CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế Anco, cả Vissan và Masan đều nhắm đến dư địa rộng lớn của thị trường thịt mát tươi sống.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Vissan, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Satra, Chủ tịch HĐQT Vissan cho biết sắp tới đây Vissan sẽ đẩy mạnh chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi, hướng đến đáp ứng nhu cầu của công ty tăng thêm 20-30% trong dài hạn.

Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm thịt tươi sống đóng khay vỉ, theo qui trình sản xuất thịt mát và đóng gói theo công nghệ MAP (khay thịt được bơm hỗn hợp khí nhằm đảm bảo thịt luôn tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ được tối đa giá trị dinh dưỡng) cũng được xem là một trong những chiến lược  phát triển sản phẩm chủ lực của Vissan trong giai đoạn mới.

Bình luận về việc có hay không sự cạnh tranh giữa Vissan với Masan trong sản phẩm thịt mát, ông Nguyễn Phúc Khoa cho biết, theo nghiên cứu thị trường của Masan, qui mô thị trường thịt mát tươi sống của Việt Nam vào khoảng 10 tỉ USD (khoảng 235.000 tỉ đồng).

Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi cùng với giá thịt heo tăng cao khiến nhu cầu mua thịt theo giảm đã làm qui mô thị trường giảm còn khoảng 130.000 tỉ đồng.

Đối với Vissan, doanh thu riêng mảng thịt tươi sống năm 2019 là 2.500 tỉ đồng, còn của Masan là 2.000 tỉ đồng, tính chung cả 2 đơn vị là 4.500 tỉ đồng. Đây là con số rất nhỏ so với qui mô thị trường 130.000 tỉ đồng. 

"Mặc dù Vissan chiếm thị phần rất lớn trong mảng thịt tươi sống nhưng chủ yếu là kênh bán hàng hiện đại còn kênh truyền thống hiện nay của công ty gần như chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Như vậy với việc khai thác được thịt mát ở kênh truyền thống như cách làm của Masan và của Vissan trong thời gian tới thì thị trường hiện nay rất rộng mở nên không có lý do gì để Vissan và Masan cạnh tranh với nhau", ông Khoa chia sẻ.

Cùng khai thác thị phần thịt mát tươi sống với cổ đông lớn, Vissan và Masan có cạnh tranh với nhau? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Satra, Chủ tịch HĐQT Vissan. Ảnh: P. Dương.

Về kế hoạch đầu tư 1.587 tỉ đồng cho dự án “Di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm Vissan”, gồm 2 công trình là văn phòng điều hành kinh doanh của Vissan và các kho trung chuyển tại khu công nghiệp Tân Tạo, TP HCM, cùng với cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại tỉnh Long An.

Theo kế hoạch, dự án sẽ đi vào sản xuất đầu năm 2024. Nguồn vốn gồm 30% là vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay.

Dự kiến năm 2020, Vissan sẽ hoàn thành việc lựa chọn, kí kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp và lắp đặt dây chuyền giết mổ heo công suất 360 con/giờ, tổ chức chọn nhà thầu, kí kết hợp đồng với nhà thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị. Đến năm 2023, Vissan sẽ di dời máy móc, thiết bị tại TP HCM đến nhà máy mới.

Tuy nhiên, ông Khoa cho biết, dự án bị chậm tiến độ một phần phải đáp ứng các thủ tục triển khai đầu tư theo qui trình của doanh nghiệp nhà nước. “Chúng tôi nhìn vào doanh nghiệp cùng ngành như Masan, có thể thấy Masan là doanh nghiệp tư nhân nên họ triển khai dự án rất nhanh”, ông Khoa bình luận.

Ngoài ra, Phó Tổng giám đốc Satra thông tin việc thoái vốn nhà nước tại Công ty vẫn chưa có tiến triển vì liên quan đến đề án hoàn thành tái cơ cấu công ty mẹ Satra, phụ thuộc vào phê duyệt của Ủy ban nhân dân TP HCM.

“Chúng tôi chưa nhận được thông tin gì về việc thoái vốn nhà nước nên chúng tôi vẫn giữ tỉ lệ vốn như hiện nay. Chúng tôi vẫn đang chờ”, ông Khoa chia sẻ.

Như vậy, tỉ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại Vissan vẫn chiếm cao nhất là 67,76%

Cùng khai thác thị phần thịt mát tươi sống với cổ đông lớn, Vissan và Masan có cạnh tranh với nhau? - Ảnh 2.

CTCP Việt Nam Kĩ nghệ Súc sản Vissan tại TP HCM. Ảnh: P. Dương.

Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành thực phẩm của cả nước, hiện tại, Vissan đang sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp bao gồm 130.000 điểm bán trên kênh truyền thống, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hệ thống gần 50 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc.

Cũng tại đại hội cổ đông vừa qua, Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc An cho rằng, 2020 là một năm khó khăn với doanh nghiệp. Công ty chưa kịp thoát khỏi ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi thì COVID-19 ập đến khiến doanh nghiệp bị tác động kép.

Hiện sức mua trên thị trường giảm, nguồn cung khan hiếm, giá nguyên liệu tăng cao, công ty phải mua heo theo giá thả nổi nhưng số lượng hạn chế.

Do đó, năm nay Vissan đặt kế hoạch doanh thu 5.580 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kì, nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến 180 tỉ đồng, giảm 20,3% so với năm ngoái. Đặc biệt năm nay, sản lượng thịt heo tươi sống dự kiến giảm 12%, chỉ đạt 21.332 tấn.

"Mặc dù chưa tổng kết hiệu quả kinh doanh 6 tháng nhưng 5 tháng đầu năm lợi nhuận từ thịt heo tươi sống gần như không có, thậm chí rất thấp. Đa phần lãi của công ty đến từ thực phẩm chế biến và các mặt hàng khác", ông An nói.

Do đó, công ty sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến thông qua website và các sàn thương mại điện tử, tạo ra nhóm sản phẩm mới cả tươi sống và chế biến phù hợp với nhu cầu. Đồng thời Vissan cũng tung ra thị trường các sản phẩm tươi sống có tẩm gia vị để đa dạng hóa và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhanh của khách hàng.

P. Dương