'Cú thúc' hạ tầng cho khu Nam
Chộn rộn con đường huyết mạch
Cách nay hơn 2 năm, anh Nguyễn Nhơn mua căn hộ chung cư tại dự án Lavida (gần ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7) trong trạng thái vừa mừng vừa lo, do nơi đây vị trí đi lại thuận tiện nhưng lại hay kẹt xe vào giờ cao điểm.
Tháng trước, TPHCM khởi công xây dựng nút giao thông này với vốn đầu tư 830 tỷ đồng, anh Nhơn “mở tiệc” ăn mừng, vì trút đi gánh nặng “mở cửa bị kẹt xe”.
Dạo một vòng thị trường bất động sản (BĐS) khu Nam, nhìn chung, thông tin thành phố bắt tay xây dựng nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được đón nhận rất hồ hởi.
“Nút giao thông này xây dựng xong, áp lực kẹt xe sẽ giảm nhiều, giá trị nhà đất ở Nhà Bè sẽ hơn hẳn”, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Lập Phúc - chủ đầu tư khu nhà ở thấp tầng tái định cư và thương mại Lập Phúc tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), phấn khích cho biết.
Theo ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, các dự án BĐS đầu tư dọc theo trục đường Nguyễn Hữu Thọ hiện nay chưa tương xứng với tầm vóc của tuyến đường đặc biệt này.
Nếu chọn khởi điểm là dự án cầu vượt Nguyễn Khoái (nối từ quận 7 băng qua quận 4, vào quận 1) hiện đang làm thủ tục đầu tư, thì con đường này sẽ là tuyến đường xuyên suốt từ quận 1 đến tận cùng khu Nam (đoạn cuối là đường Nguyễn Văn Tạo) - khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Trên trục đường băng qua quận 4, quận 7, thêm một đoạn ngắn thuộc huyện Nhà Bè, đã được khai thác quỹ đất khá tốt, nhiều cụm nhà cao tầng khang trang, hiện đại được mọc lên. Phần còn lại nằm trên địa phận huyện Nhà Bè có quỹ đất rất lớn, đã có quy hoạch, hứa hẹn sẽ phát triển mạnh.
Một số điểm nhấn đáng chú ý, đó là dự án GS 350ha, (thuộc dự án đổi đất lấy hạ tầng của tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi), đang được đầu tư hạ tầng; cuối tuyến đường là khu đô thị cảng Hiệp Phước với diện tích gần 4.000ha, đang làm quy hoạch phân khu, đền bù giải tỏa.
Mặt khác, con đường này cũng nằm trên trục đường của tuyến metro số 4, nên không quá lời khi khẳng định đây là tuyến đường quan trọng số một của khu Nam.
Khởi động hàng loạt dự án hạ tầng
Nếu lấy khu đô thị Phú Mỹ Hưng là trung tâm, sự bật dậy tiếp theo của Nhà Bè sẽ đưa khu Nam thành đô thị tương đối “xôm tụ”.
Câu chuyện huyện Nhà Bè lên quận đã được nêu lên nhiều lần tại các cuộc họp của lãnh đạo thành phố. Số liệu thống kê cho thấy, huyện Nhà Bè chỉ còn 200 hộ dân làm nông nghiệp.
Do đó, lãnh đạo thành phố đặc biệt lưu ý, nếu huyện xây dựng kế hoạch rõ ràng hơn thì cuối năm 2025 địa phương sẽ trở thành một quận.
Khi lên quận, ở đó phải có bộ mặt đô thị hiện đại, tức là được đầu tư tổng thể. Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết trong quá trình đô thị hóa thì đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông là việc đầu tiên cần phải làm, tạo nên cú hích về mặt kết nối.
Cụ thể, việc xây dựng nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ không đơn thuần là giải quyết nạn kẹt xe, mà đây là tháo gỡ điểm nghẽn trong tuyến đường Vành đai 3.
Bên cạnh đó, thành phố đã có chủ trương mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, vì quy hoạch trước đây chừa khoảng đất trống ở giữa con đường nên nay mở rộng dễ dàng, không ảnh hưởng đến việc giải tỏa.
Với việc mở rộng con đường này, có thể xem như kết nối thông suốt từ trung tâm thành phố đến khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Tiếp theo, tuyến đường Lê Văn Lương cũng được đầu tư mở rộng, xây mới thay thế 3 cây cầu sắt cũ kỹ bắc qua sông rạch, sẽ tạo thêm sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, kế hoạch công bố tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nhà Bè vừa qua nêu rõ, huyện sẽ chuẩn bị mặt bằng để xây dựng các công trình phục vụ tuyến metro số 4, đường 15B, dự án xây dựng điểm đầu mối trung chuyển hành khách xe buýt tại xã Phú Xuân, khởi công xây dựng đường Nguyễn Bình nối dài.
Không chỉ đối với hạ tầng nằm trên địa bàn huyện Nhà Bè, mà hàng loạt công trình liên kết khu Nam cũng được khởi động.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết tuyến metro số 4 sẽ tiến hành kêu gọi đầu tư cùng với tuyến xe điện mặt đất số 2, đường sắt đô thị số 5 giai đoạn 2; nạo vét luồng Soài Rạp để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu có tải trọng 50.000DWT ra vào các khu cảng dọc sông Soài Rạp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực thành phố và các tỉnh.