Cú lừa tỷ USD của startup giao hàng nhanh Trung Quốc khiến Phố Wall 'chao đảo'
Ban lãnh đạo một startup giao hàng Trung Quốc có tên Missfresh đã đưa ra một loạt lời hứa hẹn và cam kết với các nhà đầu tư vào năm ngoái, thời điểm công ty huy động rất nhiều vốn và trụ vững trước khi IPO trên sàn Nasdaq, theo Financial Times.
Missfresh là startup đi tiên phong trong lĩnh vực giao hàng tạp hóa nhanh chóng ở Trung Quốc, đã huy động được 1,8 tỷ USD từ các nhà đầu tư, bao gồm các quỹ tập trung vào công nghệ do Tiger Global và Goldman Sachs điều hành. Missfresh được định giá 3 tỷ USD trong đợt IPO một năm trước, trước khi sụp đổ vào mùa hè năm nay.
Mô hình kinh doanh có vấn đề và không có lợi nhuận cao của startup này khiến các Giám đốc điều hành liên tục phải huy động vốn, bao gồm cả các thương vụ được thực hiện ngay trước khi IPO, hiện đã trở thành tâm điểm của các vụ kiện được thực hiện bởi nhà đầu tư.
Trường hợp của Missfresh đã phơi bày rủi ro của việc các nhà đầu tư quá tin tưởng vào sự thổi phồng giá trị của một công ty trong bối cảnh xu hướng startup công nghệ tại Trung Quốc bùng nổ, kỳ vọng thu lợi nhanh chóng.
Missfresh đã thu về 365 triệu USD vào năm ngoái từ chính quyền thành phố Thanh Đảo và một quỹ đầu tư được thành lập bởi Carl Chang, chủ tịch chi nhánh của Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, người gần đây cáo buộc rằng đã bị Missfresh và chủ ngân hàng JPMorgan lừa gạt.
Sự sụp đổ của startup bị thổi phồng quá mức
Khi kỷ nguyên tiền rẻ kết thúc, Missfresh thừa nhận đã phóng đại doanh thu và cạn kiệt tiền mặt sau khi nhận được "cứu cánh cuối cùng" là 30 triệu USD từ một tập đoàn khai thác than để đổi lấy 1/3 công ty. Thỏa thuận này diễn ra vào tháng 7.
Phần lớn người lao động của Missfresh đã bị sa thải, thậm chí nhiều người hiện vẫn còn bị nợ lương. Các chủ nợ chưa thanh toán đã kéo đến các văn phòng của công ty trên khắp đất nước để phản đối và hàng nhân viên giao hàng của công ty đã bắt đầu nhét hàng hóa của đối thủ cạnh tranh vào các hộp giao hàng Missfresh phía sau xe tay ga của họ.
Người phát ngôn của Missfresh, Chen Yanqing cho biết công ty đang thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nợ cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp là giao hàng tạp hóa chính.
Chỉ hơn một năm trước, với tương lai vẫn còn tươi sáng, CEO Missfresg Xu Zheng liên tục tìm kiếm nguồn vốn mới cho tới khi công ty có kế hoạch IPO tại Mỹ. Công ty khởi nghiệp có 132 triệu USD tiền mặt tính đến cuối tháng 12/2020, nhưng đã tiêu hết khoảng 90 triệu USD mỗi quý.
Trong 8 năm gây quỹ, CEO Xu Zheng đã bị hầu hết quỹ đầu tư công nghệ truyền thống của Trung Quốc xa lánh. Vì vậy, trong thời gian chuẩn bị cho IPO, ban lãnh đạo Missfresh đã chuyển hướng sang kêu gọi vốn đầu tư từ chính quyền Thanh Đảo và ông Chang ở Quận Cam.
Công ty của ông Chang có tên Kairos Investment Management đã quảng bá rằng đây là một thương vụ đầu tư có tầm nhìn dài hạn. “Mối quan hệ chiến lược với Missfresh có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ nhận được một “mức chiết khấu hấp dẫn” cho “một trong những thương vụ IPO của Trung Quốc được mong đợi nhất năm 2021”, theo bài thuyết trình của Kairos được Financial Times đưa tin.
“Giá cổ phiếu của chúng tôi ở mức 5,27 USD/cổ phiếu, qua đó giúp định giá công ty ở mức 3,5 tỷ USD. JPMorgan đã đề cập rằng họ tin tưởng vào Missfresh và kỳ vọng định giá công ty lên tới 12 tỷ USD”, ông Chang chia sẻ.
Một thành viên ban lãnh đạo quỹ đầu tư của JPMorgan đã giải thích cách Missfresh có thể đạt mức định giá 12 tỷ USD. Theo đó, mảng giao hàng của Missfresh xứng đáng có bội số định giá tương tự như Amazon, trong khi các bộ phận kinh doanh khác hoàn toàn có thể so sánh với Alibaba và Shopify.
Xu nói thêm một cách dũng cảm: Thị trường mục tiêu của Missfresh đạt trị giá 405 tỷ USD và công ty của ông là người dẫn đầu thị trường. Ông tuyên bố: “Chúng tôi đang lỗ nhẹ nhưng dòng tiền đang tích cực. Chúng tôi luôn đặt trọng tâm lớn nhất vào tăng trưởng chất lượng cao”.
Chưa đầy một tháng sau, ngân hàng đầu tư hàng đầu tại Phố Wall đã dẫn đầu danh sách đầu tư khi Missfresh chính thức lên sàn Nasdaq, nhưng với mức định giá chỉ 3 tỷ USD, có nghĩa là quỹ của ông Chang đã lỗ trước khi giao dịch bắt đầu.
Giá cổ phiếu Missfresh đã sụt giảm 26% trong ngày giao dịch đầu tiên. Vào đầu tháng 11, khoản đầu tư của ông Chang vào Missfresh đã thua lỗ 75% và ông đã gửi email cho các nhà đầu tư với một kế hoạch mới để “khắc phục sự bất công mà chúng tôi và nhà đầu tư của chúng tôi phải chịu đựng”.
Kairos đã ký một thỏa thuận thỏa thuận với Xu, cho phép quỹ bán lại cổ phiếu của mình trong khoảng thời gian khoảng hai năm với mức lãi 20%, ông Chang giải thích. Các giao dịch này là một phần của vụ kiện của quỹ đầu tư Solaia Capital có trụ sở tại Connecticut, cáo buộc Chang đã lừa dối công ty đầu tư 500.000 USD.
Hàng loạt nhà đầu tư bị liên lụy
Cuối tháng 6, Missfresh đã nợ các nhà cung cấp 2 tỷ nhân dân tệ và chỉ có 200 triệu nhân dân tệ tiền mặt, hầu hết trong số đó đã bị tòa án Trung Quốc đóng băng do các hóa đơn chưa thanh toán, theo một cựu nhân viên công ty. Công ty đã đóng cửa hoạt động kinh doanh giao hàng tạp hóa nhanh chóng vào cuối tháng trước.
Phía ngân hàng đầu tư JPMorgan đã từ chối bình luận về vấn đề này. Missfresh cho biết quy trình IPO và tất cả thông tin liên lạc với nhà đầu tư đều tuân thủ theo các quy định. Trong khi đó, sự sụp đổ của Missfresh đã khiến thành phố Thanh Đảo bị lỗ khoản đầu tư lên tới 290 triệu USD và một dự án phát triển mới do nhà nước hậu thuẫn đang thiếu người thuê.
Khoản đầu tư này cũng khiến chính quyền Thanh Đảo phải chịu một phần trách nhiệm về những thất bại của Missfresh trước những nhà cung cấp không được thanh toán như Zhang Le, công ty vẫn đang nợ 1,8 triệu nhân dân tệ vì đã cung cấp đồ ăn nhẹ thịt bò khô và rong biển khô cho siêu thị kỹ thuật số. Zhang Le nói: “Họ là một cổ đông nên họ phải chịu một số trách nhiệm".