|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Cú hích' mới cho ngành du lịch 2024

07:00 | 21/02/2024
Chia sẻ
Mở rộng chính sách miễn thị thực được kỳ vọng sẽ là "cú hích" cho ngành du lịch trong năm 2024.

Du lịch hồi sinh trong năm 2023

Du lịch Việt Nam năm 2023 đã khép lại với những kết quả đáng ghi nhận, lượng khách du lịch nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch đầu năm. Đáng chú ý, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt, cao gấp 3,4 lần so với năm 2022, vượt xa con số đặt ra hồi đầu năm là 8 triệu lượt và đạt mục tiêu điều chỉnh vào tháng 10 là 12,5-13 triệu lượt, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Con số này ghi nhận sự biến chuyển tích cực với ngành du lịch Việt Nam khi trong năm 2022 cả nước chỉ đón được 3,5 triệu khách quốc tế, bằng 70% so với kế hoạch, giảm đến 80% so với năm 2019 (trước dịch COVID-19).

 

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), kết quả này đạt được nhờ vào sự thay đổi về chính sách cấp thị thực của Việt Nam kể từ giữa tháng 8/2023. 

Theo đó, Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Công dân của nước Việt Nam đơn phương miễn thị thực được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Kể từ sau chính sách này, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng, lập kỷ lục về lượng khách quốc tế trong năm 2023. Cụ thể, tháng 8/2023 là tháng Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm, dù thời điểm này thường được coi thấp điểm về đón khách quốc tế đến Việt Nam với 1,21 triệu lượt người.

Từ đó đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục duy trì trên một triệu lượt khách/tháng, trong tháng 9 là hơn 1 triệu lượt khách, tháng 10 là hơn 1,1 triệu lượt khách, tháng 11 hơn 1,2 triệu lượt khách và tháng 12 là hơn 1,3 triệu lượt khách.

Đáng chú ý, tháng 1/2024 ghi nhận lượng khách quốc tế cao kỷ lục 1,5 triệu lượt, cao nhất kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch. Con số này cũng tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Trong dịp Xuân Giáp Thìn, khách quốc tế đồng loạt tăng ở nhiều trung tâm du lịch lớn, có nơi gấp 2 - 3 so với cùng kỳ năm ngoái như: Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, riêng tới Phú Quốc tăng gấp 5 lần.

“Các chính sách thị thực được điều chỉnh, bổ sung là những quyết sách hợp lý và kịp thời, vừa đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch, vừa đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng như tạo điện kiện hơn rất nhiều cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam”, ông Chính đánh giá.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Hoài Thu, Phó giám đốc Chi nhánh Lữ hành Saigontourist tại Hà Nội, cho rằng chính sách mới về thị thực, xuất nhập cảnh đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc nâng sức cạnh tranh điểm đến của Việt Nam trong việc tiếp cận của nguồn khách mới, đặc biệt là luồng khách chủ động, luồng khách gia đình, luồng khách đi nhỏ lẻ,… có nhu cầu đi du lịch nước ngoài.

Theo bà, đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xây dựng lại các sản phẩm du lịch với thời gian kéo dài hơn, thu hút các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao hơn, thời gian lưu trú lâu hơn cũng như xây dựng kế hoạch kinh doanh "dài hơi" hơn.

“Tính riêng trong hai tháng đầu năm 2024, Lữ hành Saigontourist liên tục đón tiếp và phục vụ 11 chuyến tàu biển quốc tế, mang theo hơn 30.000 khách quốc tế liên tục đến “xông đất” đầu năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.”, bà Thu thông tin.

Chính sách visa vẫn thua nhiều nước

Trên thực tế, dù có nhiều cải thiện song chính sách visa của Việt Nam chưa thể so sánh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Cho đến nay, Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 25 quốc gia, trong đó có 13 nước được miễn thị thực đơn phương, gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. 

Trong khi đó, Malaysia và Singapore miễn thị thực cho 162 quốc gia với thời gian lưu trú 90 ngày, Thái Lan miễn cho 64 quốc gia trong thời hạn 30 ngày, …

Hơn 4.000 khách quốc tế trên tàu Spectrum of the Seas đến Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Saigontourist). 

Chính vì vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có phục hồi nhưng vẫn tương đối chậm so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, trong năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt khách, trong khi con số này tại Thái Lan, Malaysia và Singapore lần lượt là 27 triệu lượt khách, 20 triệu lượt khách và 14 triệu lượt khách.

“Miễn thị trực vẫn là một công cụ đòn bẩy để thu hút khách du lịch quốc tế và chúng tôi mong Chính phủ sớm mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương lên tới 50 - 60 quốc gia để thu hút khách hơn.”, ông Chính đề xuất.

Còn theo PGS.TS Phạm Hồng Long, chuyên gia về du lịch, du lịch quốc tế đang trên đà trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024, với ước tính ban đầu của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc có thể sẽ tăng 2% so với năm 2019.

Để tạo ra lợi thế cạnh tranh điểm đến, hàng loạt quốc gia đã chủ động tạo đòn bẩy từ chính sách thị thực. Tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia đang mở rộng cửa với du khách Trung Quốc và Ấn Độ, như Malaysia vừa áp dụng chế độ miễn thị thực nhập cảnh 30 ngày cho du khách từ Trung Quốc, Ấn Độ.

Thái Lan đã miễn thị thực cho du khách đến từ Trung Quốc và Kazakhstan từ tháng 9/2023, tiếp theo là Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 11/2023; Campuchia cũng có kế hoạch cho công dân Ấn Độ tiếp cận thị thực dễ dàng hơn. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho du khách từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm.

Cùng với đó, ngành du lịch Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng đón dòng khách quốc tế có khả năng chi trả cao. Tuy vậy, trong 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) thì chỉ có công dân Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha và Thụy Điển được phép vào Việt Nam mà không cần phải xin thị thực du lịch… trong khi rất nhiều du khách châu Âu muốn du lịch ở từ 30 - 90 ngày, nhất là người hưu trí.

Do đó, việc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương cần hướng tới những thị trường trọng điểm, có mức chi tiêu cao.  Đơn cử, Canada hiện có mức chi tiêu trên 33 tỷ USD; hoặc các nước châu Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ đều chi từ 21 - 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch là những nước hiện thuộc chính sách được miễn visa.

“Chính sách thị thực là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên sức hút của điểm đến. Độ mở của visa cũng là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch, lữ hành tại điểm đến, từ đó thu hút khách quốc tế”, ông Long nêu rõ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, trong đó yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu mở rộng chính sách miễn thị thực cho công dân một số nước phù hợp với tình hình mới và quan hệ hợp tác song phương.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao khẩn trương tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân của 13 nước thời gian qua; chủ động phối hợp với Bộ Công an đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam.

Ngọc Nguyễn

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).