Cư dân KĐT cao cấp Goldmark City tố CĐT thu phí sai quy định, bàn giao nhà thiếu nhiều tiện ích
Cư dân "dàn trận" ô tô phản đối chủ đầu tư thu phí gửi xe cao
Mới đây, vào chiều tối ngày 28/9, cư dân Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu) đậu hàng chục xe ô tô dọc hơn 100m đường nội bộ ra đến ngã tư giao với đường Hồ Tùng Mậu để phản đối việc chủ đầu tư thu phí đỗ xe quá cao, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực. Sự việc đã kéo dài từ 16h đến hơn 23h ngày 28/9 nhưng vẫn không được giải quyết triệt để. Sang ngày 29/9, tình hình vẫn chưa hết nóng. Suốt từ sáng cho tới chiều, nhiều chủ xe ô tô vẫn đỗ xe giữa đường. Tới tối 29/9, cư dân tại đây không những tập trung đỗ ô tô mà còn chăng biểu ngữ phản đối chủ đầu tư ngay tại vị trí cổng vào.
Trong khi đó, phía chủ đầu tư (CĐT) - Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân không hề cử đại diện đến xem xét, làm việc với người dân.
Đến hơn 23 giờ, tình trạng ách tắc giao thông nội bộ KĐT Goldmark City đã giảm nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. (Ảnh: Linh Lê) |
Theo phản ánh của người dân, trước đó, Ban Quản lý chung cư yêu cầu bảo vệ không cho xe của cư dân chưa đóng tiền phí dịch vụ xuống hầm B1 để xe, ép những người chưa đóng phí phải đi đóng tiền ngay, nếu không thì phải xuống để xe tại hầm B2, trong khi hầm này chưa hoàn thiện. Điều này gây bức xúc cho cư dân nên nhiều người quyết định không cho xe xuống hầm nữa mà đậu ngay dọc tuyến đường dẫn vào dự án.
“Chúng tôi không đồng ý với mức phí gửi xe ô tô mà CĐT đưa ra nên chưa đóng tiền gửi xe. Mức phí gửi ô tô mà Ban Quản lý đưa ra là 1,25 triệu đồng/tháng và 1,85 triệu đồng đối với xe thứ 2 (chưa gồm VAT). Mức giá này cao vượt quy định, trong khi hầm gửi xe còn chưa hoàn thiện, chất lượng chỗ gửi xe không tương xứng với chi phí mà người dân phải trả”, một cư dân cho biết.
Cư dân chưa đóng tiền phải để xe ở hầm B2 bụi bẩn và ẩm thấp, thiếu sơn phản quang, chắn lùi, camera, thẻ từ... (Ảnh: Linh Lê) |
Hầm B2 chưa có thông gió nên mùi từ khu xử lý rác thải đang đặt tại đây tràn ngập cả tầng hầm. (Ảnh: Linh Lê) |
Ban đại diện lâm thời của cư dân Goldmark City cũng thông tin với PV, cư dân chưa đồng tình với quyết định của CĐT về phí ô tô nói riêng và về các giá phí dịch vụ khác nói chung, các loại phí này đều do CĐT tự quyết và đều cao hơn rất nhiều so với các nơi khác. Trước đó vào ngày 19/5, hai bên đã họp để thỏa thuận nhưng chưa tìm được tiếng nói chung, vậy mà đến ngày 25/9, CĐT lại ra thông báo yêu cầu người dân phải đóng các khoản phí này.
Đại diện cư dân nhấn mạnh: “Hiện chúng tôi chỉ yêu cầu CĐT đối thoại với cư dân với tính xây dựng cao. Cư dân không mong muốn giá phí thấp để hưởng chất lượng thấp, mà người dân muốn phải được hưởng những tiện ích tương xứng với số tiền mà mình phải bỏ ra”.
Cư dân "tố" CĐT xây dựng tiện ích chậm tiến độ
Một vấn đề khác khiến người dân bức xức là việc CĐT yêu cầu dân phải nhận nhà trước ngày 30/6/2017, nếu không sẽ bị phạt tiền lãi suất. Vì vậy, người dân đã chuyển về ở từ hồi tháng 3 trong khi nhiều hạng mục của dự án chưa hoàn thiện. Số dân đã về ở tại dự án hiện khoảng 400 hộ.
Trong quảng cáo, CĐT cam kết sẽ “đảm bảo an ninh 3 lớp”, xây tường bao cứng ngăn cách với đường Hoàng Công Chất và khu vực Vinaconex 7, nhưng hiện tại vì không có tường ngăn nên người dân của hai khu này đang tự do ra vào và được hưởng những tiện ích mà cư dân Golmark City phải bỏ tiền ra đóng phí (vào gửi xe, sử dụng bể bơi, khuôn viên quảng trường của dự án...). Đặc biệt, hệ thống phòng cháy chữa cháy của dự án đang liên tục có báo cháy giả, một ngày có khi chuông kêu đến 2 lần vào thời điểm từ 2 - 3h sáng, điều này gây nguy hiểm khi người dân không biết cháy giả hay thật để phản ứng....
Đó là những điều kiện sinh hoạt tối thiểu mà cư dân Goldmark City mong muốn được đáp ứng. Còn những tiện ích nổi bật khác biến Goldmark City trở thành "Singapore thu nhỏ giữa Hà Nội" như quảng cáo: trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại 5 tầng, hồ điều hòa... thì hiện chưa hoàn thiện.
"CĐT cam kết những hạng mục đó sẽ hoàn thành khi cư dân về ở, tuy nhiên đến nay các khu vực xây dựng những tiện ích này vẫn bị quây kín, không biết là đã xây dựng đến đâu", một cư dân cho biết.
Trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, tại khoản 4, Điều 4, CĐT cam kết: "Bên Bán phải hoàn thành việc xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ nhu cầu ở thiết yếu của Bên Mua tại khu nhà chung cư theo nội dung dự án và tiến độ đã được phê duyệt trước ngày Bên Bán bàn giao căn hộ cho Bên Mua, bao gồm: hệ thống đường giao thông; hệ thống điện chiếu sáng công cộng, điện sinh hoạt... hệ thống công trình hạ tầng xã hội như: trung tâm thương mại, văn phòng, sân chơi, vườn hoa theo tiến độ dự án đã được phê duyệt". |
Khu đất dự kiến xây trung tâm thương mại hiện vẫn bị quây tôn kín, người dân không biết đã thi công đến đâu dù trước đó CĐT nói sẽ hoàn thành hạng mục này trước khi dân vào ở. (Ảnh: Linh Lê) |
Ngoài ra, tại đây còn tồn tại một số vấn đề như: bể bơi là sở hữu chung nhưng CĐT lại tự ý ấn định mức phí sử dụng rất cao mà không hề thỏa thuận với người dân; cư dân hiện không được hỗ trợ khai báo tạm trú tạm vắng nên không ký được hợp đồng với công ty cấp nước sạch...
Cư dân đã làm đơn kiến nghị tập thể và nhiều lần liên lạc với CĐT trực tiếp là công ty Việt Hân, yêu cầu doanh nghiệp cùng đối thoại và tìm ra giải pháp thống nhất giữa hai bên. Tuy nhiên, cho đến nay phía công ty vẫn chưa hề lên tiếng phản hồi những bức xúc kéo dài của người dân.
Goldmark City rộng 2,1 ha, gồm 10 khối nhà, trong đó có 9 tòa chung cư cao 40 tầng, có 2 tầng hầm, tương ứng với gần 5.000 căn hộ. Các tiện ích đi kèm gồm rạp chiếu phim, sân tennis, bể bơi trong nhà và ngoài trời, phòng tập gym, spa, khu tập golf mini... Hiện tại, 4 tòa nhà từ R1 - R4 đã bàn giao nhà và có người dân về ở.
Dự án vốn có tên Castle Plaza do công ty Việt Hân làm CĐT, ban đầu được quảng cáo rầm rộ với khu phức hợp hiện đại quy mô hơn 10.000 tỷ đồng nhưng sau đó lại bị bỏ hoang tới hơn 3 năm vì CĐT không đủ điều kiện thi công. Hồi tháng 8/2014, dự án cũng từng bị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội liệt vào danh sách bị thu hồi đất do “chậm so với tiến độ 3 năm và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định”.
Tuy nhiên sau đó đến tháng 12/2014, dự án bất ngờ tái khởi động với tên gọi Goldmark City với sự tham gia của nhiều đối tác mới trong đó có Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam là đối tác độc quyền quản lý, điều hành và phát triển dự án; Maritime Bank là đối tác tài chính; Delta, Conteccons là nhà thầu và STDA là đơn vị phân phối...
‘Phớt lờ’ chính quyền và cư dân, Vietradico vẫn im lặng về các sai phạm tại Golden West Sau nhiều lần cư dân gửi văn bản đề nghị, báo chí phản ánh, chính quyền liên hệ sắp xếp gặp mặt… đến nay, Vietradico ... |