|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Credit Suisse: Châu Á sẽ đóng góp 55% sản lượng kinh tế toàn cầu

22:19 | 12/11/2018
Chia sẻ
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Credit Suisse, các nước châu Á dự kiến sẽ đóng góp 55% sản lượng kinh tế toàn cầu từ nay đến năm 2050.
credit suisse chau a se dong gop 55 san luong kinh te toan cau
Credit Suisse dự báo lạc quan về kinh tế châu Á. Ảnh minh hoạ: EPA

Các nước châu Á dự kiến sẽ đóng góp 55% sản lượng kinh tế toàn cầu từ nay đến năm 2050. Các thị trường chứng khoán và trái phiếu của châu Á đang "đi đúng hướng", ước chiếm gần 30% tổng sản lượng toàn cầu từ nay đến năm 2030.

Đây là kết luận của một nghiên cứu mang tên “Châu Á trong quá trình chuyển đổi” (Asia in Transition) do Viện nghiên cứu kinh tế Credit Suisse thuộc ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) thực hiện và công bố ngày 12/11. Nghiên cứu của Credit Suisse cũng chỉ ra rằng sự phát triển của châu Á được ghi nhận với việc tập trung vào các hoạt động vì phát triển bền vững.

Một số chuyên gia kinh tế của Credit Suisse nhấn mạnh với sự nổi lên của tầng lớp trung lưu mới, các nền kinh tế mới nổi trong châu Á có xu hướng chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa trên sản xuất công nghiệp với định hướng xuất khẩu sang mô hình xã hội dịch vụ.

Trong 30 năm qua, châu Á - ngoại trừ Nhật Bản - đã đóng góp 19.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu (về mặt danh nghĩa). Đóng góp của châu Á vào tổng sản lượng kinh tế toàn cầu đã tăng từ mức 14% trong năm 1988 lên hơn 36% hiện nay.

Tuy nhiên, để hướng tới phát triển bền vững, thị trường châu Á phải đối mặt với một loạt trở ngại, trong đó có các vấn đề liên quan đến tình trạng dân số già hóa, khó khăn về tín dụng, suy thoái môi trường với những chính sách mang tính thận trọng và theo chủ nghĩa hiện thực.

Theo Credit Suisse, xuất khẩu của châu Á tiếp tục tăng, nhưng sẽ được bổ sung bởi một hoạt động kinh tế hướng tới thị trường bản địa hoặc khu vực.

Sự gia tăng chi phí sản xuất và tiền lương sẽ dẫn đến làm suy giảm “sức mạnh” của Trung Quốc trong xuất khẩu, với các nền kinh tế mới nổi có chi phí ít đắt đỏ hơn và nền công nghiệp phát triển tích cực như Việt Nam hay Bangladesh sẽ được lợi.

Theo dự đoán của các nhà kinh tế, tỷ trọng của các nền kinh tế châu Á mới nổi trong các thị trường chứng khoán, trái phiếu tư nhân và trái phiếu chính phủ dự kiến sẽ tăng trong 12 năm tới, với mức tăng lần lượt từ 20%, 17% và 13% lên 29%, 29% và 20%.

Các nhà kinh tế của Credit Suise cũng dự đoán "trong 10-15 năm tới, người dân ở các thị trường mới nổi có thể mạnh dạn hơn, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động đầu tư”.

Ngoài ra, các khoản đầu tư trong nước cần được thể chế hóa rõ ràng vì các tài sản dưới sự quản lý của các quỹ bảo hiểm và quỹ hưu trí sẽ phát triển mạnh hơn.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ duy trì một nguồn nhu cầu bổ sung cho cổ phiếu và trái phiếu tại châu Á.

Hoàng Hoa