|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Credit Suisse: 2017 là năm thay đổi bộ mặt toàn cầu hóa

21:50 | 13/02/2017
Chia sẻ
Con đường Toàn cầu hóa đang đi trong suốt những thập kỷ qua có lẽ đã tới điểm kết thúc.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ dự báo sẽ mang tới những thay đổi toàn cầu. Nếu thế giới trở nên đa cực hoặc nếu toàn cầu hóa kết thúc thì sao? Trong báo cáo “Getting over Globalization” (tạm dịch: Vượt qua Toàn cầu hóa) mới công bố, Credit Suisse Research Institute kêu gọi tránh viễn cảnh tồi tệ nhất và khuyến nghị phát triển thế giới theo hướng đa cực.

2017 – Năm thay đổi bộ mặt toàn cầu hóa?

Năm nay có thể là năm định mệnh với toàn cầu hóa với viễn cảnh một kỷ nguyên mới đang mở ra. Những sự kiện trong năm 2016 dường như đã đánh dấu chấm hết cho một giai đoạn dài của quá trình toàn cầu hóa. Giai đoạn này được thúc đẩy bởi thị trường, pháp luật và các công ty đa quốc gia, cùng với đó là sự giàu có nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi. Đánh giá dòng chảy thương mại, con người, tài chính và truyền thông, báo cáo “Getting over Globalization” chỉ ra 3 con đường tiềm năng trong thời gian tới:

1. Toàn cầu hóa tiếp tục con đường mòn đang đi

2. Thế giới trở nên đa cực

3. Sự kết thúc của toàn cầu hóa

Thế giới có thể duy trì tình trạng đơn cực?

Theo kịch bản thứ nhất, các công ty đa quốc gia, luật pháp và các tổ chức phương Tây tiếp tục định hình thế giới. Đồng USD vẫn thống trị thị trường tiền tệ và thương mại không ngừng tăng trưởng. Viễn cảnh này giống như những gì đã và đang diễn ra nhưng lại khó có thể thành hiện thực.

Toàn cầu hóa có vẻ như đang mất đà: tăng trưởng kinh tế giảm tốc, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân túy lên ngôi. Tất cả những yếu tố này khiến sự đơn cực của thế giới lung lay. Hai sự kiện lớn diễn ra trong năm 2016 là Brexit và chiến thắng của ông Donald Trump dạy chúng ta một điều: Hãy sẵn sàng cho những điều không ai ngờ.

credit suisse 2017 la nam thay doi bo mat toan cau hoa
Tỷ lệ giữa thương mại và GDP từ năm 1960 tới nay.

Con đường tới đa cực

Thế giới đa cực đồng nghĩa với sự kết thúc của tình trạng đơn cực hiện nay và sự nổi lên của các khu vực: các trung tâm kinh tế phát triển song song trên phạm vi toàn cầu. Chính toàn cầu hóa là chất kích thích cho tình trạng đa cực bởi sự giàu có nó mang tới trên phạm vi thế giới. Những người hưởng lợi nhất là các quốc gia đang phát triển có dân số lớn như Ấn Độ hay Trung Quốc – các quốc gia đang trở thành nhà lãnh đạo trong khu vực.

Theo phân tích của Credit Suisse Research Institute, thế giới sẽ chia làm 3 cực: Mỹ, châu Âu và châu Á. Thế giới đa cực sẽ mang tới sự phát triển cho các tổ chức (thế giới và khu vực), thúc đẩy nền dân chủ “được quản lý” và khu vực hóa các quy tắc pháp luật. Nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ không đồng đều.

Chờ đợi những bất ngờ

Có lẽ ít người trên thế giới tin rằng toàn cầu hóa sẽ kết thúc và nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là một cú sốc thực sự. Đây là kịch bản tồi tệ nhất mà Cresit Suisse Research Institute đưa ra. Khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thương mại giảm tốc, thế giới đối mặt với một cú sốc vĩ mô (nhập cư, bất bình đẳng, nợ, vv) và chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy.

Hậu quả có thể rất nghiêm trọng và cần nhiều thời gian cũng như nỗ lực để khắc phục. Các nhà nghiên cứu dự báo các cường quốc sẽ áp đảo thế giới và củng cố quyền lực, các thị trường tài chính toàn cầu phân mảng, chiến tranh tiền tệ hoặc thậm chí là xung đột quân sự. Nhìn vào lịch sử, chúng ta có thể thấy sau làn sóng toàn cầu hóa đầu tiên năm 1913 là Thế chiến thứ I.

credit suisse 2017 la nam thay doi bo mat toan cau hoa
Số lượng các biện pháp bảo hộ (màu xanh) và tự do (màu ghi) của các quốc gia

Làm thế nào để duy trì toàn cầu hóa?

Cuộc tranh luận xung quanh câu hỏi trên có thể bị chi phối bởi ham muốn làm giàu bản thân thông qua một hình thức toàn cầu hóa, trái ngược với một thế giới đa cực – nơi sức mạnh kinh tế và chính trị thuộc về nhiều người hơn. Tuy nhiên, với xu hướng tăng trưởng giảm tốc và sự hoài nghi về lợi ích của toàn cầu hóa hiển hiện, khả năng duy trì hình thức toàn cầu hóa cũ dường như là không thể.

Việc chuyển đổi sang thế giới đa cưc có vẻ như đang được tiến hành. Do đó, điều nên làm hiện nay là tạo ra một hệ thống hoạt động tốt dưới hình thức này. Trong giai đoạn đầu, một thế giới đa cực có thể mang tới những sai sót chính sách, sự ganh đua và căng thẳng địa chính trị. Việc thiết lập một bộ quy tắc và thể chế phù hợp sẽ giúp quá trình chuyển biến diễn ra ổn định.

Thạch Thảo