|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

CPI tháng 7 tăng 0,4%, thấp nhất trong một năm rưỡi

09:12 | 29/07/2022
Chia sẻ
CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,59% so với tháng 12/2021. CPI bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng 2022. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4%. Như vậy đây là mức tăng thấp nhất theo tháng kể từ đầu năm 2021.

 

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm giao thông giá giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm.  

Cụ thể các nhóm hàng hóa tăng giá trong tháng 7 so với tháng trước như sau.

Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+1,37%), trong đó lương thực tăng 0,31%, thực phẩm tăng 1,6%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,28%.

Đồ uống và thuốc lá tăng 0,39%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,32%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,49%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,79%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,43%; Bưu chính viễn thông tăng 0,26%; Giáo dục tăng 0,20%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%.

 

So với tháng 12/2021, CPI tháng 7 tăng 3,59%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,07%.

Trong các nhóm tăng giá:

Nhóm giao thông tháng 7/2022 tăng cao nhất với 11,16% so với tháng 12/2021, trong đó giá xăng dầu tăng 25,79% do từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 19 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 2.780 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.520 đồng/lít và dầu diezen tăng 7.280 đồng/lít.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,44% chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,16% do nhu cầu du lịch tăng cao sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ quan này chỉ ra một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 7 tháng năm 2022.

Cụ thể, trong 7 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 19 đợt, trong đó có 6 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 tăng 2.780 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.520 đồng/lít và dầu diezen tăng 7.280 đồng/lít. Bình quân 7 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,79 điểm phần trăm.

Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 7 tháng năm nay tăng 23,78% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.

Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 7 tháng tăng 3,81% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,33 điểm phần trăm.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 7 tháng tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 7 tháng đầu năm 2022 tăng 1,15% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 7 tháng năm 2022 được Tổng cục Thống kê chỉ ra gồm giá các mặt hàng thực phẩm 7 tháng năm 2022 giảm 0,07% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 18,97% (tháng 7/2022 giá thịt lợn tăng trở lại do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng tính chung 7 tháng năm 2022 giá thịt lợn giảm); giá nội tạng động vật giảm 8,71%; giá thịt chế biến giảm 3,36%.

Giá dịch vụ giáo dục giảm 3,42% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm.

Giá bưu chính viễn thông giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.

Về lạm phát cơ bản, chỉ số này trong tháng 7/2022 tăng 0,58% so với tháng trước, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Đào

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.